1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vẫn có trường hợp được nghỉ hưu trước 10 năm so với luật định

(Dân trí) - “Dự thảo sửa đổi Luật Lao động quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm đối với người lao động làm công việc trực tiếp, độc hại, nguy hiểm, bị suy giảm khả năng lao động. Trường hợp đặc biệt có thể tới 10 năm đối với người lao động làm việc trong môi trường hầm lò, suy giảm khả năng lao động trên 61 %...”.

Ông Mai Đức Thiện - Vụ Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết trong buổi Giao lưu trực tuyến về dự thảo sửa đổi Luật Lao động trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều 17/5 tại Hà Nội.

Cần từ 10-17 năm tới mốc tuổi hưu mới

Theo đó, dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đang xây dựng 2 phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu với lộ trình ổn định và không gây sốc.

Vẫn có trường hợp được nghỉ hưu trước 10 năm so với luật định - 1

“Nếu được Quốc hội thông qua, từ năm 2021, tuổi hưu của lao động nam và nữ mới tăng 3-4 tháng/năm. Như vậy, năm 2028 và 2035, lần lượt mới có những lao động nam và lao động nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 62 và 60” - ông Mai Đức Thiện nói.

Thừa nhận việc tăng tuổi hưu là xu thế của nhiều ngành nghề, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng đề nghị cần lưu ý tới đặc thù từng lĩnh vực ngành nghề.

“Nên phân biệt tuổi nghề và tuổi hưởng lương hưu. Nhiều khảo sát cho thấy có tới 40 % người hưu trí vẫn làm việc. Như vậy, người lao động sẽ có nhiều lựa chọn công việc cho mình” - ông Mai Đức Thiện cho biết.

“Những năm qua, tỉ lệ người lao động trong ngành chế biến thuỷ sản nghỉ hưu đúng tuổi luật định rất ít. Người có thời gian làm dài nhất chỉ 20 năm, còn lại là 10-15 năm là nhiều” - ông Nguyễn Hoài Nam đơn cử về lao động ngành chế biến thuỷ hải sản.

Trên góc độ đó, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, luật chỉ nên giữ nguyên quy định tuổi hưu cho lao động tham gia trực tiếp vì đặc thù công việc vất vả. “Trường hợp không thể giữ như hiện nay, dự thảo tăng tuổi hưu nên chọn theo phương án chậm nhất có thể” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Làm thêm vì nhiều lý do

 Nêu quan điểm về đề xuất tăng khung giờ làm thêm, ông Vũ Quang Thọ - Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng: “Về hình thức, việc tăng giờ làm thêm đang đáp ứng mong muốn của nhiều người lao đông. Tuy nhiên, bản chất của việc tăng giờ làm thêm lại bởi vì… lương của người lao động đang thấp”.

Ông Vũ Quang Thọ chia sẻ thông tin mới được Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện, trong số 7.200 công nhân được hỏi về thu nhập và làm thêm. Đa số đều đồng ý làm thêm vì mức lương trung bình chỉ 4.600.000 đồng/tháng.

“Với mức lương đó, người công nhân loay hay đủ bề để chi trả các khoản như: Tiền thuê nhà, nuôi con ăn học, tiền điện, tiền nước, thuốc men, thực phẩm…Bởi vậy, cần tính lương luỹ tiến cho người lao động khi làm thêm giờ” - ông Vũ Quang Thọ cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, đứng ở góc độ người sử dụng lao động, việc tăng khung giờ làm thêm là hết sức cần thiết. Thậm chí nhiều doanh nghiệp không cho người lao động làm thêm thì có nguy cơ mất lao động.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Với đặc thù sản xuất trong lĩnh vực thuỷ. Việc đánh bắt còn phụ thuộc vào con nước, nuôi trồng thuỷ sản theo vụ mùa. Trong khi đó, hải sản được nhà máy thu mua về thì cần phải sản xuất để đảm bảo đơn hàng và chất lượng sản phẩm. Do đó cần phải tăng giờ làm thêm”.

Đánh giá về đề xuất nâng khung giờ từ 300 lên 400 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng mức tăng phải là 500 giờ/năm mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp ngành thuỷ hải sản.

Linh hoạt điều chỉnh giờ làm việc

Giải thích về điều chỉnh đề xuất điều chỉnh giờ làm việc của Bộ LĐ-TB&XH sáng 17/5, ông Mai Đức Thiện cho rằng: Sau thời gian lấy công bố dự thảo ban đầu, Ban soạn thảo tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý xác đáng.

“Theo đó, đề xuất đã bổ sung nội dung: Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương, dự thảo cũng quy định linh hoạt giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.” - ông Mai Đức Thiện nói.

Quy định trên loại trừ áp dụng với những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng giờ làm việc còn liên quan tới nhiều hoạt động khác nhau trong đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Các thành viên trong 1 gia đình cũng chịu sự điều chỉnh từ nhiều mối quan hệ khác nhau, như: Hoạt động doanh nghiệp, cơ quan hành chính, trường học…Do đó, cần có một giải pháp hạn chế tình trạng tắc đường, đồng thời công bố công khai để mọi người được biết” - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Hoàng Mạnh