1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Vẫn có cử nhân cao đẳng bưng cà phê, cử nhân đại học làm massage"

(Dân trí) - “Chúng tôi khảo sát thì gặp cử nhân cao đẳng đi bưng bê cà phê, cử nhân đại học đi làm massage”, ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII.

6 cơ quan “chịu trách nhiệm” đào tạo nghề cho dân bị thu hồi đất

Theo số liệu thống kê, Nghệ An có 41.836 người bị thu hồi đất có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Năm 2016, tỉnh này đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động. Một thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ lao động này chưa cao, một số ngành nghề được đào tạo chưa phù hợp dẫn đến sau đào tạo không có việc làm.

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An về vấn đề tào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất
Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An về vấn đề tào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn cho rằng có tới 6 cơ quan tham gia vào công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trung tâm khuyến công (Sở Công thương), Hội Nông dân, Tỉnh đoàn và Hội phụ nữ.

“Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, còn chất lượng đào tạo thì nhiều ngành phải chịu trách nhiệm chứ không phải do Sở LĐ”, ông Toàn cho hay.

Mặc dù công tác đào tạo nghề đã có nhiều kết quả khả quan nhưng ông Nguyễn Bằng Toàn cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế, số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn thấp so với tổng số lao động được đào tạo nghề hàng năm. Chất lượng đào tạo và cơ cấu một số ngành nghề của một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Một trong những lí do được nhắc tới là do tâm lí thích làm thầy hơn làm thợ. “Chúng tôi khảo sát thì gặp cử nhân cao đẳng đi bưng bê cà phê, cử nhân đại học đi làm massage”, ông Toàn dẫn chứng và cho rằng dù không kiếm được việc làm khi ra trường nhưng nhiều học sinh vẫn lựa chọn đi học ĐH, CĐ thay vì đi học nghề.

Năm nay, Nghệ An có hơn 31.000 em tốt nghiệp THPT. Số này dự báo sẽ chọn đi học đại học, cao đẳng, không đi được mới học nghề. Do vậy, chỉ tiêu đào tạo nghề khó đạt được như kế hoạch.

SV trường Cao đẳng Việt - Hàn trong buổi thực hành (ảnh M.Hà)
SV trường Cao đẳng Việt - Hàn trong buổi thực hành (ảnh M.Hà)

Thực hiện Đề án việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An liên kết với 200 doanh nghiệp, đào tạo nghề cho hơn 64.000 lao động. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cũng thừa nhận, dự báo thị trường lao động chưa sát cũng là một nguyên nhân khiến người được đào tạo nghề khó khăn khi tìm việc làm.

Bên cạnh phân luồng, phân định thị trường để có kế hoạch đào tạo nghề sát với thực tế, hiện, ngành này đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề để đảm bảo lao động đáp ứng được yêu cầu công việc và có việc làm sau đào tạo.

Cảnh giác với xuất khẩu lao động "chui"

Một trong những mũi nhọn trong công tác lao động, việc làm của Nghệ An chính là xuất khẩu lao động sang các nước. Hiện trên địa bàn Nghệ An có khoảng 50 đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động, mỗi năm đưa được khoảng 12.000 người ra nước ngoài làm việc. Lực lượng này đóng góp không hề nhỏ đối với nguồn thu ngoại tệ của tỉnh..

Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII
Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII

Tuy nhiên, tình trạng lao động chui dù đã giảm nhưng vẫn tồn tại, không chỉ ảnh hưởng đến “thương hiệu” lao động Nghệ ở các nước mà ảnh hưởng trực tiếp đến tiền bạc, tính mạng của người lao động.

“Lao động đi theo đường chính ngạch sẽ được bảo hộ. Lao động chui, lao động bất hợp pháp thì rủi ro lớn, xử lý khó khăn, gây thiệt hại trực tiếp cho người lao động. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần”, ông Nguyễn Bằng Toàn trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng lao động chui.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, thông tin về thị trường lao động, ngành nghề, số lượng tuyển dụng, mức phí được thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân cần tỉnh táo để không mắc bẫy “cò lao động”, vừa mất tiền, vừa thiệt thân. Đặc biệt, chính quyền các địa phương phải cảnh giác đối với các doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng lao động tại địa phương mình.

“Tất cả các đơn vị tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn đều phải được Sở cho phép và cấp giấy giới thiệu về địa phương. Nếu không có những thủ tục đó thì cần cảnh báo người dân và báo cáo với ngành chủ quản”, ông Toàn khuyến cáo.

Hoàng Lam