1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm gì để hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp có việc làm?

Hơn 200.000 cử nhân đại học, cao đẳng ra trường chưa tìm được việc làm là sự lãng phí lớn của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Mở ra cơ hội cho lao động cho trình độ cao

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XHXH) công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam” quý IV/2016, cho thấy: Tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm so với quý III/2016 giảm nhẹ cả số lượng và tỷ lệ, song đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên lại gia tăng. Cụ thể, quý IV/2016, cả nước có 1.110.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có 471.000 người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%), nhóm có trình độ đại học trở lên là 218. 800 người, tăng 16,5 nghìn người so với quý trước.

Làm việc giản đơn chờ… thời

Tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán chuyên ngành kế toán, Thu Hạnh (quê Ý Yên, tỉnh Nam Định) chấp nhận đi bán hàng cho một siêu thị nhỏ với tiền lương 3 triệu đồng/tháng. Công việc không mấy liên quan đến chuyên môn nhưng Hạnh chấp nhận đi làm để duy trì cuộc sống, rồi vừa làm vừa tìm việc phù hợp hơn. “Cầm tấm bằng đại học đi xin việc thì chỗ nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm.

Mình ra trường rồi không thể cứ mãi ngửa tay xin tiền bố mẹ. Vì thế, tôi dự định đi bán hàng rồi tranh thủ học thêm ngoại ngữ cũng như trau dồi thêm “kỹ năng mềm” để chờ cơ hội. Tôi định làm tạm một thời gian ngắn thế mà quay đi quay lại đã 3 năm, kiến thức chuyên môn thì mai một, trong khi dự định học thêm vẫn chưa thực hiện được. Nhiều khi cũng thấy lo lắng vì tuổi trẻ cứ dần trôi mà tương lai còn mờ mịt” - Hạnh chia sẻ.

Cơ hội luôn mở ra cho những người có năng lực
Cơ hội luôn mở ra cho những người có năng lực

Nguyễn Nam (quê Đồng Hỷ, Thái Nguyên) tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, đang làm công việc giao hàng tại Hà Nội bày tỏ: “Tôi cũng muốn về quê tận dụng những kiến thức đã học để phát triển mô hình vườn - ao - chuồng nhưng không có vốn. Tôi đã tìm đến ngân hàng chính sách xã hội để hỏi vay vốn nhưng họ nói tôi không thuộc diện được vay vốn ưu đãi.

Gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì nên tôi đành quay trở lại Hà Nội kiếm việc làm, hy vọng sau vài năm sẽ tích lũy được chút vốn để làm ăn. Thế nhưng với công việc giao hàng tiền lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, thỉnh thoảng gửi chút tiền về quê phụ giúp bố mẹ. Tôi hy vọng Nhà nước có những chính sách ưu đãi thiết thực cho thanh niên lập nghiệp tại quê nhà”.

Không chỉ có Thu Hạnh, Nguyễn Nam, khá đông sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không xin được việc làm đúng chuyên ngành đành chấp nhận một công việc không cần trình độ chuyên môn. Thậm chí có không ít người mãi không xin được việc “đành” đi học thạc sĩ.

Nâng cao chất lượng lao động

Theo đánh giá của nhà tuyển dụng, sinh viên mới ra trường rất thiếu các kỹ năng mềm nên khi tuyển dụng họ lại phải mất thời gian, công sức và tiền của để đào tạo lại. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo dự báo đến năm 2020, thị trường lao động Việt Nam cần khoảng 40% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, việc đào cần chú ý đến nhu cầu xã hội.

Bà Hương cho rằng, đào tạo trong nhà trường chỉ cung cấp kiến thức chung, trong khi công việc đòi hỏi những kiến thức cụ thể. Muốn tăng cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường, người học cần biết thị trường lao động cần gì và các em phải chứng minh được cái các em học có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này trong nhà trường không dạy.

Hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên tạo ra sự cạnh tranh nhưng cũng là cơ hội cho lao động Việt Nam. Trước mắt có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên được di chuyển tự do hơn.

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, Bộ đang xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ. Đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech...

Cái yếu kém của lao động có bằng cấp ở Việt Nam là trình độ tiếng Anh và kỹ năng mềm. Cơ hội đã có, người nào có sự nỗ lực thì chắc chắn tương lai sẽ rộng mở./.

TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động

Hệ thống giáo dục và đào tạo cần quan tâm đến nhu cầu của người học và thị trường lao động. Vì thế, các nhà tuyển dụng cần cung cấp thông tin về lao động để các trường đào tạo dựa trên đó mà đáp ứng. Một số doanh nghiệp FDI đã xây dựng được hệ thống các chỉ số về kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn. Khi họ tuyển dụng, ứng cử viên được chấm điểm dựa trên hệ thống các chỉ số kỹ năng này. Trong khi đó, các trường đào tạo nghề chưa cập nhật hệ thống kỹ năng này trong quá trình giảng dạy.

TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐ-TB&XH

Cần thay đổi quan điểm từ chính người học và gia đình bởi gia đình thường hướng cho con cái học ngành nghề gì để vào làm ở các cơ quan Nhà nước cho nhàn thân. Việc kết nối cung - cầu lao động cần làm tốt hơn, bởi không ít học sinh, gia đình không nắm được thị trường lao động đang cần những ngành nghề gì, trình độ như thế nào. Quan trọng nhất là cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo VOV.VN