U60 tiết lộ bí quyết làm bánh tráng ngon không đủ bán cho khách
(Dân trí) - Đôi tay thoăn thoắt vừa khuấy bột vừa tráng bánh, bà Thàng có thể tráng 15kg bột thành 2.000 chiếc bánh mỗi ngày. Ở làng bánh tráng Thạnh Hưng bà Thàng được xem là cao thủ tráng bánh.
Xin giảm tiền công để được tráng bánh
Theo nghề từ năm 12 tuổi, bà Thái Kim Thàng (55 tuổi) ở Thạnh Hưng, Giồng Riềng, Kiên Giang là một trong những người làm bánh tráng rất lâu năm còn giữ được nghề truyền thống.
Theo trí nhớ của bà, nghề đã gắn bó với bản thân từ năm 12 tuổi. Khi đó, cô bé Thái Kim Thàng đã đến làm việc tại một lò bánh tráng trong xóm để phụ giúp gia đình. Do còn ít tuổi nên chủ lò chưa để cô bé Thàng tráng bánh mà thay vào đó bà chỉ được làm các khâu đơn giản như lau vỉ, phơi bánh, gỡ bánh…
Dù vậy khi thấy người thợ ngồi bên bếp lửa, tay thoăn thoắt đổ bột, quay bánh rồi in bánh lên vỉ phơi, cô bé Thàng cứ cồn cào trong lòng mong được một lần tráng bánh.
"Lúc đó tiền công làm một ngày chỉ có 400 đồng, tôi xin chủ bớt tiền lương lại để tôi được tráng bánh. Đợi lúc mọi người nghỉ trưa, lò trống tôi lại đánh lửa, đun nước sôi tráng bánh, mỗi lần tráng được mười mấy hai mươi cái thôi nhưng tôi vui lắm", bà Thàng nhớ lại.
Học nghề được hơn một năm, cô bé Thàng về nhà mở lò làm bánh tráng. Sau 43 năm, nghề làm bánh đã trở thành duyên nghiệp với bà. Lò bánh của bà trở thành một trong những hộ sản xuất bánh tráng thủ công truyền thống và lâu đời nhất ở xã Thạnh Hưng.
Kiên quyết giữ nghề
Theo lời bà Thàng, miếng bánh tráng thoạt nhìn đơn giản nhưng để tráng được miếng bánh tròn đều, không quá dày hoặc quá mỏng thì cần có nhiều kỹ thuật.
Đối với bột bánh, gạo để tráng bánh là những loại gạo khô, cứng được ngâm một ngày một đêm sau đó sạch nước, xay nhuyễn, tẻ nước, pha bột với nước muối và tráng bánh. Để bánh được dai, bà Thàng sẽ trộn thêm bột mì tinh vào ngâm chung. Cứ 50kg bột gạo, bà trộn một kg bột mì tinh.
Riêng bánh tráng mè (bánh tráng ngọt) còn công phu hơn. Vẫn là ngâm gạo như công thức trên nhưng khi sau khi nhồi bột phải thêm nước đường nấu, nước cốt dừa, đường, hương vani, mè trắng, mè đen. Tranh thủ lúc bột còn nóng phải nhồi nhanh và đều tay không để bột vón cục mới tráng được miếng bánh đều và mỏng.
Theo quan sát của PV, thao tác tráng bánh của bà Thàng cực kỳ nhanh, một tay bà múc vá bột nhỏ đổ lên tấm khuôn bằng vải sau đó quay cho bột lan đều. Đợi khoảng 5 giây khi bột vừa chín tới, bà mở nắp vung rồi lấy bánh in lên vỉ. Nhẩm tính chưa đầy 10 giây bà Thàng đã tráng xong một chiếc bánh.
"Làm lâu rồi nên thuận tay lẹ mắt nên làm rất nhanh. Thông thường 6h sáng tôi tráng bánh đến khoảng 1h chiều đã làm bánh xong xuôi. Mỗi ngày tôi dùng khoảng 15kg bột, tráng được hơn 2.000 miếng bánh", người thợ nghề U60 này tiết lộ.
Bánh phơi ngoài nắng khi ráo mặt sẽ đem vào dựng vỉ trên các vách tường để bánh tự khô, cách này giúp bánh dễ gỡ và có độ dai, giòn vừa phải. Nếu bánh còn quá giòn sẽ phơi sương.
Dù quy trình làm công phu, cực nhọc nhưng giá bánh tráng khá "hạt dẻ", bánh tráng nem chỉ có giá 3.000 đồng/chục còn bánh tráng mè 12.000 đồng/chục. Bánh của bà Thàng làm ra không đủ bán, chủ yếu bán lẻ cho chợ Rạch Giá, Rạch Sỏi.
Dù làm bánh cực và tiền lãi không cao tuy nhiên bà vẫn yêu nghề này. "Đặc biệt mỗi lần thực khách ăn khen ngon tôi nghe xong, cảm thấy rất ấm lòng và kiên quyết không bỏ nghề", bà Thàng nói.
Chính những kỷ niệm khó quên ấy khiến bà Thàng càng yêu mến nghề, quyết tâm gìn giữ đến cùng. Để những người con xa xứ khi trở về vẫn có thể thưởng thức hương vị bánh tráng Thạnh Hưng từng vang danh một thời.