Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày

Khánh Hồng

(Dân trí) - Gắn bó với nghề truyền thống, nhiều hộ dân làm giá đỗ ở Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá. Mỗi ngày, hộ ít nhất cũng thu về nửa triệu đồng.

Giá đỗ Nghi An nổi tiếng vì ngon, giòn và sạch. Trước đây, giá đỗ Nghi An được ủ dưới đất. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa khiến diện tích bị thu hẹp, người dân nơi đây chuyển qua làm giá nước.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã giá đỗ Nghi An, nghề làm giá đỗ ở đây có từ rất lâu. Ông Thuận không biết chính xác cách đây bao nhiêu năm, chỉ biết đây là nghề truyền thống của làng. Cha mẹ ông mưu sinh bằng nghề làm giá đỗ, rồi truyền lại cho các con.

Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày - 1

Đỗ xanh được bỏ vào lu sứ hoặc thùng nhựa để ủ thành giá (Ảnh: Khánh Hồng).

Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày - 2

Cứ 4 giờ đồng hồ tưới nước 1 lần để giá phát triển (Ảnh: Khánh Hồng).

Theo ông Thuận, trước đây, cả làng đều sống bằng nghề làm giá đỗ. Dần dần, cùng với quá trình đô thị hóa, người theo nghề không còn nhiều. Hợp tác xã giá đỗ Nghi An hiện có 10 thành viên.

Giá đỗ của Hợp tác xã Nghi An được thương lái đến tận nơi thu mua bỏ cho các chợ, nhà hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng và cả Huế, Quảng Nam. Mỗi ngày, hợp tác xã xuất đi khoảng 10 tấn giá đỗ, trong đó hộ nào làm ít thì khoảng 5-6 tạ, hộ nào làm nhiều hơn 1 tấn.

Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày - 3

Sau thời gian ngâm nước sẽ úp lu xuống để nước chảy ra ngoài (Ảnh: Khánh Hồng).

Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày - 4

Sau 5 ngày ủ, giá được thu hoạch, rửa sạch bán cho thương lái (Ảnh: Khánh Hồng).

Ủ hạt nảy ra thứ mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày

Ông Thuận cho hay, nghề làm giá đỗ không khó, nhưng cần chịu khó, thức khuya dậy sớm. Đỗ để làm giá phải chọn hạt to, đẹp. Quy trình làm giá có nhiều công đoạn. Đỗ xanh được bỏ vào lu sứ hoặc thùng nhựa. Ngâm đỗ với nước vôi trong để làm sạch vỏ đỗ. Sau đó, cứ đều đặn 4 giờ tưới nước 1 lần để giá phát triển. Sau 5 ngày, giá được thu hoạch, rửa sạch bán cho thương lái.

Gia đình ông Thuận mỗi ngày làm 6 tạ giá. Mỗi kg giá được bán với giá 9.000 đồng. Trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, mỗi ngày, ông Thuận thu lãi khoảng 500.000-600.000 đồng.

Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày - 5

Hợp tác xã giá đỗ Nghi An hiện có 10 thành viên. Mỗi ngày, hợp tác xã xuất bán 10 tấn giá đỗ (Ảnh: Khánh Hồng).

Ủ hạt nảy ra mầm trắng nõn nà, người dân thu nửa triệu mỗi ngày - 6

Nghề làm giá đỗ giúp người dân Nghi An có thu nhập ổn định. Mỗi ngày, hộ ít nhất cũng thu nửa triệu đồng (Ảnh: Khánh Hồng).

Bà Trịnh Thị Diện (SN 1962, thành viên Hợp tác xã giá đỗ Nghi An) cho biết đã làm nghề giá đỗ năm 20 tuổi và gắn bó với công việc từ đó đến nay.

Theo bà Diện, nghề làm giá đỗ giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá. Gia đình bà hiện có 50 lu và làm theo hình thức "cuốn chiếu", mỗi ngày thu hoạch khoảng 5 tạ giá.

"Trước kia làm giá đất thì khỏe hơn. Bây giờ làm giá nước bận rộn hơn vì phải tưới nước nhiều. Tuy nhiên, nghề này cứ thu nhập đều đều hàng ngày, dù nắng hay mưa cũng thế. Trừ các khoản chi phí, mỗi ngày tôi thu lãi khoảng 500.000 đồng", bà Diện nói.