Tỷ phú một chân
Nước da cháy nám, chiếc áo vải sờn đẫm mồ hôi và đôi mắt sâu đen luôn nhìn về phía Tây, nơi anh đang sở hữu khu rừng 300 ha trị giá gần 10 tỷ đồng - đó là vài nét về “vua rừng” Hồ Thanh Xuân.
55 tuổi đời, đi lại chỉ bằng một chân, nhưng anh có đến 20 năm sống giữa rừng.
"Đại bản doanh" của vua rừng Hồ Thanh Xuân là đồi Bốn Vú. Từ quê anh xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, lên đến đồi Bốn Vú khoảng 10 km. Giữa tháng 6, anh đang bán sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Vừa đếm đồng tiền có mệnh giá 500.000 đồng mới toanh, anh vừa kể lại tháng ngày gian khổ của đời mình: “Năm 1975, trận đánh cuối cùng trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi bị dính một quả đạn, cụt mất chân trái, được hưởng chế độ thương binh 2/4".
Về quê, không chấp nhận cuộc đời bị tàn phế, sống bằng trợ cấp xã hội, anh Xuân xin vào đội lâm nghiệp. Ít lâu sau anh được đề bạt làm đội trưởng, chịu trách nhiệm sản xuất cây giống cung cấp cho các nông - lâm trường thuộc tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó. Năm 1990, cơ chế mới ra đời, đội lâm nghiệp bị giải tán. Anh Xuân liều mạng chạy vạy đi mượn tiền mua lại toàn bộ số vườn của đội để tiếp tục tổ chức sản xuất cây giống.
Không muốn chứng kiến cảnh rừng quê hương đang ngày đêm bị hoang hóa, anh Xuân đến gõ cửa UBND huyện Hải Lăng xin được cấp 300 ha đất đồi trọc ở đồi Bốn Vú để trồng rừng. Thấy anh làm dự án trồng rừng nhiều người cho anh là hoang tưởng vì người lành mạnh chẳng làm được, huống gì đây là dự án của người chỉ còn một chân. Anh trăn trở rồi quyết định phá lệ: Trồng rừng trước, xin cấp đất sau. Mỗi ngày anh đi bộ cả vạn bước mới đến được đồi Bốn Vú. “Ngày ấy tôi lên khai phá đất đai với niềm tin mấy chục năm sau khu đồi trọc ở phía Tây này sẽ trở thành những cánh rừng trù phú”, anh Xuân nhớ lại.
Đồi Bốn Vú hoang vu, chỉ toàn lau lách bỗng dưng tràn ngập tiếng người, tiếng máy húc ủi đất. Anh Xuân kể: “Khi mới thả cây xuống tôi như nín thở để chờ cây non bén rễ, đâm chồi. Thế rồi, buổi sáng ngủ dậy thấy một cây, hai cây và cả hàng trăm ngàn cây trên những quả đồi trọc này bắt đầu bén rễ, xanh cây, đêm về thấy vui quá mà không ngủ được. Trời đất không phụ công người”.
Rừng của anh Xuân được trồng đến 8 loại cây: trầm, sến, keo lá vàng, keo tai tượng, bạch đàn… Trồng được rừng rồi, công đoạn tưới cây mới nặng nhọc, vất vả. Anh phải ngăn suối, tạo thành đập nước vừa để tưới cây, vừa nuôi cá tăng gia sản xuất. Cảnh heo hút, âm u của đồi Bốn Vú ngày trước không còn nữa. Một con đường mới thẳng tắp, rộng rãi được anh làm để ôtô dễ dàng vào tận rừng thu mua gỗ.
Khi anh Xuân trồng hoàn chỉnh 100 ha rừng đầu tiên thì nhà nước mới có cơ chế cho nông dân nhận khoán trồng rừng. Thời cơ đã đến, anh lại nhắc nhỏm một chân đến UBND huyện xin cấp quyền sử dụng đất. Đến lúc này thì không còn ai nghi ngờ khả năng trồng rừng của anh nữa. Được nhà nước khuyến khích, anh xin cấp thêm 100 ha trên phần đất còn lại của đồi Bốn Vú để thực hiện nốt kế hoạch phủ xanh đồi trọc.
Anh Xuân khoe rằng hôm nay đã được cấp quyền sử dụng đất đai với diện tích 300 ha. "70% diện tích rừng của tôi đã khai thác được gỗ. Tôi vừa bán mấy hécta gỗ bạch đàn được 100 triệu đồng trả tiền vay ngân hàng. Bây giờ còn lại của mình cả thảy, không nợ nần ai nữa", anh Xuân khoe.
Bây giờ “vua rừng” Hồ Thanh Xuân đang quản lý 200 ha rừng đến tuổi khai thác gỗ, hằng ngày thường xuyên có đến 30 lao động thực hiện các công việc phòng chống cháy rừng và chăm sóc thảm thực bì. Những lao động này được anh Xuân trả lương bình quân 1 triệu đồng/người. Mới đây, có một “đại gia” đòi mua đứt toàn bộ 200 ha rừng của anh (chiếm 2/3 diện tích) với giá 10 tỷ đồng, nhưng anh chưa đồng ý.
Anh giải thích giản dị: “Đã là người nông dân thì đừng bao giờ phụ bạc đất đai. Quê hương đã cho mình những đồi núi mênh mông thì mình phải biết tận dụng. Tôi thua người ta một cái chân nhưng không thể thua họ về ý chí và nghị lực vươn lên từ nghèo khó, tàn tật để làm giàu chính đáng”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng