Tỷ phú lưng trần giữa biển
Quanh đảo Hòn Chuối (Cà Mau) vắng vẻ xưa kia giờ đã trở thành làng cá lồng bè xôm tụ với những bè cá ken dày trên mặt biển. Khởi xướng cho hoạt động nuôi cá lồng bè tại đảo Hòn Chuối là một người vốn trước đây phải cứu đói.
Từ hộ phải cứu đói
Ông Lê Văn Phương (Ba Phương)- Tổ trưởng an ninh Hòn Chuối, chỉ tay xuống biển và vỗ vai người đàn ông vạm vỡ, tóc xoăn, da ngăm đen rồi giới thiệu với phóng viên: “Đây là chú Kim Ngọc Tính, bà con thường gọi Tính Mập, một tỷ phú lưng trần giữa đại dương nhờ nuôi cá bóp bằng lồng bè”.
Tỷ phú Tính mặc mỗi chiếc quần short, cởi trần cùi cụi, đeo cọng dây chuyền bằng ngón tay thòng tới bụng. Nghe ông Ba Phương giới thiệu, anh Tính cười tươi để lộ chiếc răng khểnh, tếu táo: “Tỷ phú nuôi cá chớ không phải tỷ phú có tiền để dành. Mới nuôi cá vài năm, có tiền tỷ là cũng thả xuống biển rồi. Chắc lứa cá này trúng giá nữa mới thành tỷ phú thiệt”.
Anh Tính kể, những năm còn sống lay lắt, nhìn nước biển trong xanh trên quanh đảo Hòn Chuối, tôi liên tưởng đến hình ảnh nuôi cá lồng bè ở Kiên Giang, Vũng Tàu, Nha Trang…trên ti vi mà thèm khát và đặt quyết tâm nuôi cá tại đây.
“Tôi đi học hỏi, tự đóng bè, bọc bằng 2 lớp lưới, sợ cá chui ra ngoài. Nhưng nay có kinh nghiệm rồi, chỉ một lớp lưới và lớp còn lại dự phòng để thay cho khỏi đóng rong”- anh Tính nói, đồng thời cho biết giống cá bóp để nuôi được anh mua từ các tàu đánh bắt trên biển, thả xuống lồng bè, cho ăn mồi, lớn nhanh. Chỉ trong vòng 6 tháng thả nuôi, có con đạt gần chục cân.
Năm 2011, anh Tính nuôi lứa đầu tiên, trong một lồng bè rộng chỉ khoảng 30 m3, bao lưới sâu 4m với 300 con cá giống, thu lời gần trăm triệu đồng. “Lần đầu cầm mấy trăm triệu đồng, mừng không ngủ. Chưa bao giờ, vợ chồng và cả gia đình được cầm nhiều tiền như vậy”-tỷ phú lưng trần tâm sự.
Từ một hộ thuộc diện phải cứu đói, đến nay vợ chồng anh Tính làm chủ 5 chiếc lồng bè, và hiện đang thả nuôi hơn 2.000 con cá, sắp thu hoạch. Vừa thoát được nghèo, có giá trị bè cá bóp hàng tỷ đồng, anh Tính hướng dẫn những người anh em ruột của mình cùng nuôi. Chuỗi bè cá bóp của anh em họ Kim dần được hình thành và ngày càng nhiều với số lượng vài ngàn con.
Đến làng nuôi cá đảo Hòn Chuối
Anh Kim Ngọc Dũng, em trai Kim Ngọc Tính chạy xuồng máy đến đưa chúng tôi ra bè cá. Vừa điều khiển xuồng, Dũng nói: “Anh Tính Mập mê cá lắm, phần lớn ngủ ở bè dù có bạn phụ giúp nhưng không yên tâm. Ra bè cá, thấy cá ăn mê lắm, còn nào con nấy bằng bắp chân!”. Đến nơi, thấy anh Tính đang cùng mấy anh em hì hục chuyển 300 con cá giống mới thả nuôi, mỗi con nặng khoảng 1 kg, sang lồng bè mới, rộng hơn. Bốn lồng bè kế bên là cá lớn, mỗi con gần chục cân.
Tỷ phú lưng trần Kim Ngọc Tính
Anh Tính cho biết, nuôi cá bóp phải có vốn mua cá giống tự nhiên, giá khoảng 100.000 đến 150.000đ/con và phải có vốn để mua thức ăn hàng ngày cho cá vì cá bóp ăn nhiều mới lớn nhanh nên không thể thiếu thức ăn. Hơn 2.000 con cá bóp đang nuôi, mỗi ngày phải ăn vài triệu đồng tiền cá mồi.
Không chỉ riêng anh em nhà họ Kim, nghề nuôi cá bóp lồng bè ngày càng thu hút nhiều bà con trên đảo tham gia. Nhiều người từ đất liền cũng ra đầu tư nên làng cá lồng bè quanh đảo Hòn Chuối mỗi ngày một đông đúc và chủ yếu làm theo kinh nghiệm, người đi trước thành công chỉ cho người đi sau.
Làng cá đói vốn
Ông Phương nói rằng, nghề nuôi cá bóp phát triển nhanh nhưng bà con đang rất thiếu vốn. Mỗi lồng bè cần đến vài trăm triệu đồng đầu tư lồng bè và cá giống, chưa kể mua thức ăn cho cá ăn. Cá càng lớn càng ăn nhiều, nên rất cần vốn để cá không thiếu ăn và chậm lớn. Ông Phương đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè đảo Hòn Chuối với 35 hộ tham gia và được Liên minh HTX Cà Mau đầu tư 200 triệu đồng.
“Hai trăm triệu đồng, chia đều mỗi hộ chưa được vài triệu đồng, mua cá mồi được vài ngày là hết”- ông Phương nói. Ông cho biết, vào Tổ hợp tác nhưng không được vay vốn đủ để nuôi cá nên bà con không hào hứng. Để gỡ khó cho bà con, ông Phương đang đứng ra lập dự án để vay vốn. Nhưng ông không chắc có được vay hay không. “Nếu vay vốn bên ngoài, bà con nuôi cá sẽ không có lời và khi giá cá xuống thấp sẽ lỗ vốn”- ông Phương tính toán. Cụ thể, nếu vay vốn bên ngoài với lãi suất 7%/tháng thì phải trả lãi nặng, giảm hiệu quả nuôi cá.
Theo ông Phương, vì thiếu vốn nên nhiều người phải cho cá ăn cầm chừng, và ông cũng là một trong số đó. “Tôi còn 2.000 con cá, đang tới lứa bán, nhưng giá cá thấp nên phải nuôi cầm chừng, mỗi ngày cho ăn một lần thay vì 3 lần như trước đây”.
Ông Lê Văn Phương cho biết, Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè đảo Hòn Chuối do ông đứng ra thành lập có 35 hộ tham gia, với 113 lồng bè, hiện thả nuôi khoảng 60-70 ngàn con cá bóp các loại. Môi trường biển quanh đảo Hòn Chuối nước trong xanh, không ô nhiễm nên có thể nuôi quanh năm và đã đem lại “một vốn, bốn lời” vì chi phí rẻ, xuất công làm lời dễ mở rộng qui mô.
Theo Báo Tiền Phong