Tỷ phú giàu nhất châu Á kiếm hơn 17 tỷ USD trong 2019
Năm 2019 là thời điểm ăn nên làm ra đối với người giàu nhất châu Á, tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani...
Theo dữ liệu từ xếp hạng 500 tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, ông Ambani chứng kiến khối tài sản ròng cá nhân tăng thêm khoảng 17 tỷ USD trong thời gian từ đầu năm đến ngày 23/12. Mức tăng này - lớn hơn mức tăng giá trị tài sản tuyệt đối của bất kỳ tỷ phú nào khác ở châu Á năm nay - đưa khối tài sản của ông Ambani đạt 61 tỷ USD.
Tỷ phú giàu thứ nhì châu Á là ông Jack Ma - nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba - kiếm 11,3 tỷ USD từ đầu năm. Trong khi đó, ông Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Mỹ Amazon.com, mất 13,2 tỷ USD vì vụ ly dị người vợ cũ, bà McKenzie.
Ngôi vị giàu nhất thế giới hiện nay đang thuộc về ông Bill Gates, nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft, người đang sở hữu khối tài sản ròng 113 tỷ USD, tăng 22,4 tỷ USD từ đầu năm.
Tài sản của ông Ambani tăng mạnh năm nay chủ yếu nhờ mức tăng 40% của cổ phiếu Reliance Industries, tập đoàn do ông nắm quyền kiểm soát với lĩnh vực kinh doanh trải rộng từ lọc hóa dầu tới dịch vụ viễn thông. Tốc độ tăng giá cổ phiếu Reliance năm nay cao gấp đôi mức tăng của S&P BSE Sensex, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Giới đầu tư đổ mạnh tiền vào cổ phiếu Reliance với niềm tin rằng những lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn này như viễn thông và bán lẻ sẽ sớm mang lại giá trị.
Ông Ambani đã chi khoảng 50 tỷ USD, chủ yếu là tiền đi vay, vào mảng viễn thông. Nhờ đó, mạng của Reliance đã trở thành mạng không dây lớn nhất ở Ấn Độ chỉ 3 năm sau khi ra mắt. Ngoài ra, ông còn có mục tiêu mục tiêu xây dựng Reliance thành một "gã khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Ấn Độ, cạnh tranh với những đối thủ như Amazon.com.
"Mukesh Ambani đã thay đổi bức tranh về Reliance Industries. Công ty này từ chỗ đi đầu trong lĩnh vực dầu khí, đã trở thành người đi đầu ở cả mảng viễn thông và bán lẻ, thậm chí là ở mảng thương mại điện tử trong thời gian không xa", nhà quản lý quỹ Chakri Lokapriya thuộc TCG Asset Management nhận định.
"Ông ấy đã thành công trong việc nhận diện, đầu tư và triển khai nhanh các kế hoạch kinh doanh mới", ông Lokapriya nói. "Có thể tin tưởng rằng chiến lược này sẽ làm gia tăng gấp đôi giá trị cho cổ đông của Reliance trong 4 năm tới".
Hồi tháng 8, ông Ambani dự báo các mảng kinh doanh mới sẽ đóng góp 50% lợi nhuận của Reliance sau vài năm nữa, từ mức khoảng 32% hiện nay.
Ngoài thành công ở mảng viễn thông, kế hoạch của ông Ambani về giảm nợ của Reliance cũng là một nhân tố đưa giá cổ phiếu công ty này đạt mức kỷ lục. Vị tỷ phú 62 tuổi có kế hoạch giảm nợ ròng của công ty về 0 vào đầu năm 2021.
Kế hoạch này bao gồm bán cổ phần trong mảng hóa dầu của Reliance cho tập đoàn dầu lửa Saudi Aramco của Saudi Arabia; đưa mảng viễn thông và bán lẻ lên sàn chứng khoán trong vòng 5 năm, và xây dựng một nền tảng số kết nói với mạng Jio Inforcomm của Reliance.
Giá cổ phiếu của Reliance hiện đã tăng gấp khoảng 3 lần so với thời điểm cuối 2016, khi mạng Jio mới ra mắt thị trường Ấn Độ bằng chương trình khuyến mãi "khủng" gồm cuộc gội miễn phí và gói dữ liệu giá rẻ. Hiện Jio đã có 350 triệu thuê bao và đạt lợi nhuận ròng 140 triệu USD trong quý 3 năm nay.
Hiện giới đầu tư vẫn đang lo ngại về tình trạng nợ nần tại Reliance, công ty đã chi tiêu khoảng 76 tỷ USD trong 5 năm qua. Trong đại hội cổ đông hồi tháng 8, ông Ambani cho biết công ty hiện đang có số nợ ròng khoảng 22 tỷ USD.
Theo Thăng Điệp/Vneconomy.vn