Tỷ lệ lao động khu vực kinh tế phi chính thức đang tăng
(Dân trí) - “Khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ lệ trên 40% tổng số lao động đang làm việc và đang có xu hướng tăng với đa dạng ngành nghề, nhiều chỗ làm việc mới, thu hút lao động từ khu vực kinh tế chính thức chuyển sang”.
Đó là nhận định về thị trường lao động TPHCM quý 1/2012 của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) qua số liệu khảo sát từ 5.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân sự và hơn 21.000 người tìm việc trong quý 1/2012.
Ông Tuấn còn cho rằng: “Tổng quan thị trường lao động thành phố thể hiện tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo nên mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm”.
Trong quý 1/2012, sự dịch chuyển lao động có diễn ra nhưng ở mức độ không cao so với năm 2011. Vào tháng 1 và tháng 2 ở mức khoảng 20%. Đến tháng 3/2012 sự dịch chuyển diễn ra ở mức độ cao hơn, khoảng 25%.
Do tình hình kinh tế nên nhu cầu tuyển dụng quý 1/2012 cũng giảm gần 15% so với quý 1/2011. Chỉ số nhu cầu tuyển dụng cao nhất là những nhóm ngành Dịch vụ - Phục vụ (16,61%), Nhân viên kinh doanh – Marketing (15,31%), Quản lý nhân sự - Hành chính văn phòng (12,46%).
Khác với quý 1/2011, trong quý 1/2012 nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các ngành gia công sản xuất như Dệt – May - Giày da không gay gắt như cùng kỳ quý 1 năm 2010 và 2011, chỉ đạt gần 10% tổng nhu cầu nhân lực. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có chiều hướng ổn định lực lượng lao động và xu hướng tuyển dụng lao động có nghề và trình độ.
Trong quý 1/2012, trên 50% nhu cầu tuyển dụng lao động là công nhân kỹ thuật và sơ cấp nghề. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang tính toán chặt chẽ việc sử dụng lao động trực tiếp sản xuất – kinh doanh trong tình hình kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn.
Falmi dự báo, trong quý 2/2012, các doanh nghiệp trên địa bàn TP có nhu cầu khoảng 75.000 lao động, tăng khoảng 10% so với quý 1. Các ngành cần nhiều nhân lực vẫn là Marketing – Nhân viên kinh doanh, Dịch vụ - Phục vụ Ngành Quản trị nhân sự - Hành chánh văn phòng; bán hàng, Dệt – May – Giày da, Điện tử - Viễn thông, Tư vấn bảo hiểm…
Tuy nhiên, cùng với nhu cầu nhân lực tăng thì Falmi cũng dự báo nguồn cung nhân lực sẽ tăng khoảng trên 10% so quý I/2012. Nguyên nhân là vì trong quý II/2012 một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường cần tìm việc làm. Ngoài ra, ông Trần Anh Tuấn cũng dự báo là việc di chuyển lao động có khả năng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng có giảm so với quý I/2012 (dự kiến mức độ dịch chuyển dưới 20%).
Ông Tuấn cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, xu hướng người lao động muốn ổn định việc làm, nhất là tại các doanh nghiệp chăm lo tốt chính sách lao động và phúc lợi lao động”.
Theo ông Tuấn, vấn đề cần quan tâm nhất của thị trường lao động TPHCM hiện nay là sự phù hợp cung – cầu lao động; tức là người lao động phải nâng cao kỹ năng nghề để đáp ứng được yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp phải chú trọng đến chính sách tiền lương, phúc lợi để đảm bảo cho người lao động an tâm làm việc, gắn bó với công ty. Có như vậy, thị trường lao động mới cân bằng, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tùng Nguyên