Tuyệt chiêu "vỗ béo" lộc trời, bán gần nửa triệu đồng/kg
(Dân trí) - Người dân xã Châu Nhân (Nghệ An) có tuyệt chiêu nuôi để con rươi đẹp mã, trọng lượng gấp 4 lần bình thường. Có thời điểm, giá bán rươi lên tới nửa triệu đồng/kg.
Bí quyết "vỗ béo" lộc trời
Thiên nhiên ưu đãi cho người dân hạ nguồn sông Lam (thuộc xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cánh đồng rươi khó nơi nào có được. Những cánh đồng ven sông, mỗi năm ngoài 2 vụ lúa, các hộ dân còn có thu nhập hàng chục triệu đồng từ rươi.
Mùa rươi bắt đầu từ cuối tháng 9 âm lịch hàng năm, và kéo dài đến hết tháng 11. Rươi ở đây hoàn toàn tự nhiên, bởi vậy, người dân gọi sản vật này là "lộc trời".
Khi các món ăn chế biến từ loại động vật thân mềm này trở thành đặc sản, cũng là khi người dân nơi đây có "chiến lược" riêng trong chăm sóc, thu hoạch rươi.
Theo ông Cao Xuân Đường (xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân), trước đây, đến mùa rươi, bà con mang vợt, rổ đi chao (vợt trên mặt nước). Khi rươi được bán ra thị trường với giá cao, ngoài ruộng được chia theo quy định, nhiều hộ dân mạnh dạn đấu thầu thêm ruộng để nuôi rươi.
Đầu mùa rươi, chủ ruộng mang lưới, cọc ra rào ruộng của mình. Cuối mỗi ruộng đều được đào "trộ" (chỗ trũng cuối ruộng), chăng lưới có đáy tự chế để thu hoạch rươi khi tháo cạn nước.
Trung bình mỗi sào sử dụng khoảng 10kg lưới, chi phí 70.000-100.000 đồng. Lưới được chọn phải là lưới mắt nhỏ, thoát nước tốt nhưng phải giữ được rươi. Cọc tre đóng bao quanh ruộng một cách chắc chắn, lưới buộc theo cọc, đáy lưới cố định dưới bùn, đảm bảo không bị xê dịch khi gió lớn, thủy triều lên nhanh.
Giống rươi tự nhiên, sẵn trong đất, người dân không mất chi phí ban đầu. Tuy nhiên, việc nuôi con đặc sản này khá khắt khe. Rươi rất nhạy cảm với môi trường, bởi vậy, trên các thửa ruộng có rươi, người dân hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng lúa.
Tầm cuối tháng 9 âm lịch, khi thu hoạch lúa xong, người dân nơi đây bắt tay vào dọn ruộng để rươi sinh sống. Các thửa ruộng phải cày bừa kỹ, đảm bảo bằng phẳng, bón thêm phân chuồng ủ kỹ, hoai mục để làm xốp đất và đảm bảo nguồn thức ăn cho rươi.
"Chúng tôi sử dụng ngô hạt, loại ngô tẻ, xay thành bột, rải đều ruộng, cày bừa kỹ làm thức ăn vỗ béo cho rươi. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bổ sung thêm bột ngô, con rươi có màu đỏ đẹp và kích thước to gấp 3-4 lần so với rươi ở ruộng không bón bột ngô. Sau khi bừa kỹ, phải để mặt ruộng khô cho rươi làm tổ", ông Võ Văn Quế (xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) cho hay.
Từ khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, các ruộng rươi đã lác đác cho thu hoạch, dù số lượng hạn chế. 4 kỳ thu hoạch rươi chủ yếu tập trung vào dịp mùng 1 và rằm tháng 10, tháng 11 hàng năm.
Theo ông Quế, rươi nổi lên theo nước thủy triều, thường từ khoảng 1h. Đến tầm 2h30-3h sẽ là thời điểm rươi nổi đầy mặt ruộng.
"Khi đó, cả làng kéo ra đồng, đông như trẩy hội, bất chấp thời tiết mưa rét. Khi rươi nổi đầy mặt ruộng, các chủ ruộng sẽ mở "trộ", tháo nước ra. Rươi theo con nước trôi vào các bao lưới đã chăng sẵn ở miệng trộ, người dân chỉ việc đợi đầy, kéo lưới lên, đổ vào thùng", ông Quế cho biết thêm.
Vụ rươi năm ngoái, mặc dù sản lượng có thấp hơn trước đó, nhưng với 12 sào ruộng rươi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Quế thu gần 50 triệu đồng. Cùng với bí quyết vỗ béo rươi, ông Quế mong trời thương để người dân nơi đây có vụ rươi thắng lợi.
Nghiên cứu thâm canh "con xóa nghèo"
Ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết, toàn xã có gần 40ha đất ruộng có rươi. Trung bình, mỗi sào ruộng cho thu hoạch 15-20kg rươi mỗi vụ. Giá rươi từ 350.000 đồng đến 400.000 đồng/kg, có năm lên tới nửa triệu đồng/kg.
"Mặc dù diện tích chỉ chiếm chưa đến 10% đất sản xuất nông nghiệp toàn xã và thời gian chăm sóc, thu hoạch ngắn nhưng giá trị con rươi mang lại chiếm tới gần 15% tỉ trọng nông nghiệp của xã.
Trên địa bàn xã có khoảng 300 hộ dân có thu nhập từ rươi. So với nhiều cây trồng, vật nuôi khác, rươi có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo", ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, một sào ruộng (diện tích 500m2) nếu trồng lúa, mỗi vụ người dân chỉ lãi chưa đến 1 triệu đồng. Trong khi đó, với con rươi, với chi phí đầu tư không đáng kể, chỉ trong vòng chưa đến 3 tháng, người dân có thể thu được 6-7 triệu đồng, thậm chí có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Với nguồn lợi kinh tế từ con rươi, chính quyền xã Châu Nhân đã và đang hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật làm đất, chăm sóc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất rươi trên đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, thay vì hoàn toàn dựa vào nguồn giống tự nhiên, địa phương đang xây dựng đề án nuôi rươi để tăng sản lượng.
"Chúng tôi đã khảo sát tại một số tỉnh phát triển nuôi rươi như Hải Dương, Hải Phòng và đưa một số giống rươi ở Hải Dương về nuôi trên diện tích thử nghiệm 4,5ha. Nếu đề án nuôi rươi thành công, tôi nghĩ sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế ổn định cho người dân ở đây, qua đó tăng nguồn lợi kinh tế từ đồng ruộng", ông Quang cho hay.
Cùng với bán rươi tại ruộng, nhiều hộ dân đã chế biến thành món chả rươi, ruốc (mắm) rươi để tăng giá trị kinh tế. UBND xã Châu Nhân cũng đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng ruốc rươi và chả rươi thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.