Tuyển sinh đào tạo nghề 125.400 người giai đoạn năm 2016-2020 | Báo Dân trí

An Giang:

Tuyển sinh đào tạo nghề 125.400 người giai đoạn năm 2016-2020

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Từ lợi thế có dân số đông nhất miền Tây, tỉnh An Giang coi trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm bằng cách đặt hàng đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng cho doanh nghiệp.

An Giang là tỉnh có dân số đông trong các tỉnh ĐBSCL. Tuy nguồn lao động dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề; lao động qua đào tạo còn thấp so bình quân cả nước, nhất là khu vực nông thôn.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn xác định đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; Từ đó, nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.

Tuyển sinh đào tạo nghề 125.400 người giai đoạn năm 2016-2020 - 1

An Giang xác định đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm.

Trong triển khai công tác đào tạo nghề, toàn tỉnh đã có 19 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng đào tạo trình độ ngắn hạn cho gần 8.000 người, kinh phí hỗ trợ hơn 9,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, Công ty Cổ phần Nam Việt tham gia đào tạo 3 lớp nghề trung cấp Nuôi trồng thủy sản nước ngọt cho 77 học sinh tại vùng nuôi trồng công nghệ cao của công ty tại huyện Châu Phú, kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng.

Kết quả giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 125.400 người, đạt 100,3% kế hoạch:cao đẳng hơn 5.000 sinh viên, trung cấp 6.200 học sinh, sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng trên 114.000 học viên.

Tuyển sinh đào tạo nghề 125.400 người giai đoạn năm 2016-2020 - 2

Đào tạo nghề ở An Giang

Cùng với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nên An Giang thực hiện Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2016-2020”.

Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 155.000 lao động, trong đó: 1.886 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 53,3% năm 2016 lên 65% năm 2020.

Thời gian tới, ngành lao động tiếp tục chú trọng công tác đào dạy nghề lao động nông thôn thuộc lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng dạy nghề lao động nông thôn lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo tạo nghề như: xây dựng dân dụng, may công nghiệp, lái xe ô tô…