1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việc làm:

Tuyển dụng người khuyết tật – Doanh nghiệp còn e ngại

(Dân trí) - Người khuyết tật (NKT) thường hay đau ốm, có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc chưa đáp ứng được yêu cầu công việc là nguyên nhân khiến doanh nghiệp còn e ngại tuyển dụng nhóm đối tượng này.

Hiện
nay chỉ có hơn 10% lao động NKT có việc làm tại TPHCM
Hiện nay chỉ có hơn 10% lao động NKT có việc làm tại TPHCM

Đó là nội dung trong báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu Quan điểm của doanh nghiệp (DN) tại TPHCM về việc sử dụng lao động là NKT. Nghiên cứu này được Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM thực hiện từ tháng 4 -11/2014 theo yêu cầu của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD).

Theo số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có gần 45.000 người khuyết tật (NKT) nhưng chỉ có khoảng 6.000 người là có việc làm.

Ngày 23/12, nhóm nghiên cứu đã có buổi báo cáo trước đại diện các doanh nghiệp có sử dụng lao động là NKT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bà Lương Thị Ngọc Thảo, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, “Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 30 DN gồm 3 loại hình: tư nhân, nước ngoài và nhà nước. Những câu hỏi tập trung vào DN là có sử dụng lao động NKT không? Lý do? Chế độ lương thưởng, hợp đồng?...”.

Nhóm nghiên cứu cho biết, việc làm cho NKT không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là cách thức giúp họ tự tin, hòa nhập vào xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ NKT có việc làm hiện nay vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do nhiều DN còn e ngại tuyển dụng NKT, cộng với thực tế người lao động NKT chưa đáp ứng được yêu cầu công việc khiến DN không mặn mà với việc tuyển dụng nhóm đối tượng này.

Một nguyên nhân khác được nhóm nghiên cứu chỉ ra là lao động NKT thường hay đau ốm, có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này khiến nhiều nhà tuyển dụng cho rằng nhận NKT vào làm việc là một khó khăn.

Phía DN sẵn sàng tham gia các hoạt động từ thiện nhưng ít nghĩ về vấn đề hỗ trợ việc làm cho NKT. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, DN nhận NKT vào làm việc chủ yếu với tư tưởng “làm từ thiện”, “ban ơn”...

Không cùng quan điểm với nhóm nghiên cứu, bà Trần Thị Trung Thuận, giám đốc Công ty Thiên Tâm cho biết, “Ngay từ khi thành lập, công ty đã có quan điểm không thương hại hay làm từ thiện mà làm với trách nhiệm xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng họ có năng lực, có khả năng và chúng ta chưa khai phá được tài năng của họ mà thôi. Không phải có công việc để làm mà trên hết có rất nhiều người làm bằng tất cả sự say mê. Đồng thời, vai trò cầu nối của các tổ chức, đoàn thể trợ giúp NKT vẫn chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu của DN”.

Nhóm nghiên cứu nhận đinh rằng, NKT thường có ít cơ hội tìm việc làm chủ yếu là do thiếu thông tin, do sự thành kiến và phân biệt đối xử trong xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức, thái độ của nhà tuyển dụng và chính sách pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều cơ hội việc làm được mở ra cho người có tay nghề, được đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu làm việc. Do đó, cơ hội tìm kiếm việc làm của NKT trong tương lai có khả nang cải thiện tốt hơn.

Ngoài ra, phía DN cũng đánh giá lao động là NKT chịu thương chịu khó, kiên trì, bền bỉ, ít nhảy việc... Họ nhận thấy nhiều NKT vẫn có khả năng làm việc và học tập để trở thành những nhân viên làm việc có hiệu quả và năng suất cao. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà các DN cho rằng cần khắc phục, đó là sự tự ti, mặc cảm; yếu nhiều kỹ năng và quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp...

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp và khuyến nghị cho DN và những tổ chức hỗ trợ NKT như: DN nên dành nhiều thời gian tìm hiểu về NKT, tạo sân chơi công bằng trong môi trường làm việc, vận động chính quyền thực thi các chính sách, các chế độ hỗ trợ hay mở những hội chợ việc làm, giao lưu giữa để DN và NKT có thể tìm hiểu nhau...

Quốc Anh