Tư vấn, vận động lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

Trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng lao động làm việc tại Hàn Quốc tự ý ở lại sau khi kết thúc hợp đồng lao động, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh chung của người lao động Việt Nam.

Tư vấn cho lao động. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Tư vấn cho lao động. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, chiều 28/10, tại Trung tâm Văn hóa thành phố Gimhae, miền Tây Nam Hàn Quốc, đã diễn ra buổi gặp gỡ, giao lưu, tư vấn pháp luật và vận động lao động Việt Nam về nước đúng hạn.

Tham gia sự kiện do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cùng một số đơn vị có liên quan của Hàn Quốc phối hợp tổ chức này có sự tham dự của ông Trần Trường Thủy, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước; ông Nguyễn Như Tuấn, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cùng hàng trăm lao động Việt Nam tại đây.

[Hơn 1.500 lao động Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã về nước]

Buổi gặp gỡ này, theo ban tổ chức, là dịp để cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc giao lưu, trao đổi và chia sẻ những thông tin hữu ích nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nước sở tại cũng như của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Trường Thủy, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc đã hòa nhập nhanh chóng vào môi trường sinh hoạt-làm việc mới, được công ty sử dụng lao động và cơ quan hữu quan của Hàn Quốc đánh giá tích cực về tính cần cù, thông minh, chịu khó, tay nghề tốt, góp phần đáp ứng một phần thiếu hụt nhân lực cũng như vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của nước bạn.

Ông Trần Trường Thủy, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc phát biểu. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Ông Trần Trường Thủy, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc phát biểu. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã xảy ra tình trạng một bộ phận người lao động làm việc tại Hàn Quốc tự ý ở lại sinh sống và làm việc sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Việc này, theo ông Trần Trường Thủy, đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh chung của người lao động Việt Nam, hình ảnh chung của Việt Nam và đặc biệt là tác động bất lợi đến việc duy trì ổn định và phát triển thị phần lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thông qua buổi gặp gỡ này, ông Trần Trường Thủy mong muốn người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc nói chung, lao động làm việc tại Gimhae nói riêng, sẽ phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong công việc, tuân thủ tốt hợp đồng lao động và pháp luật của Hàn Quốc.

Chia sẻ với những ý kiến trên, ông Đặng Sĩ Dũng, đại diện cơ quan quản lý lao động của Việt Nam, cũng kêu gọi anh chị em lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn khi hết hợp đồng để có cơ hội trở lại đây làm việc hợp pháp với công việc và thu nhập tốt.

Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phát biểu. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước phát biểu. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Ông Đặng Sĩ Dũng nhấn mạnh: "Đối với những lao động đang cư trú, làm việc quá thời hạn tại Hàn Quốc, các bạn hãy tự nguyện về nước để được hưởng các chính sách ân hạn của Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam.”

Trong nhiều năm qua, phái cử và tiếp nhận lao động luôn là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bắt đầu từ năm 1992, hai nước đã hợp tác thực hiện Chương trình tu nghiệp sinh và từ năm 2004 là Chương trình đưa người lao động Việt Nam sang làm việc theo Luật Cấp phép việc làm (gọi tắt là chương trình EPS).

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho đến nay đã có trên 100.000 lượt lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại xứ sở kim chi trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.

Theo Vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/tu-van-van-dong-lao-dong-viet-nam-tai-han-quoc-ve-nuoc-dung-han/532324.vnp