1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tư thương Trung Quốc lùng mua vải thiều, dân Bắc Giang thu tiền tỉ

Toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 66.100 tấn vải thiều đến hết ngày 13/6, , trong đó vải sớm đã bán gần hết, vải chính vụ gần 29.000 tấn. Hiện toàn tỉnh còn gần 70.000 tấn vải. Đáng chú ý, năm nay giá bán vải thiều cao gấp 2-3 lần so với năm ngoái nên bà con rất phấn khởi.

Trên 1.000 thương nhân thu mua vải

Những ngày này, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sôi động hơn bao giờ hết, nhất là quanh khu vực phố Kim, xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn) – “thủ phủ” vải thiều của tỉnh.

Vào giờ cao điểm, tuyến Quốc lộ 31 đoạn từ huyện Lục Nam đi Lục Ngạn, Sơn Động thường xuyên lâm vào tình trạng tắc nghẽn vì người mua, người bán tấp nập, xe cộ nối đuôi nhau xếp hàng chờ cân vải.

Tư thương Trung Quốc lùng mua vải thiều, dân Bắc Giang thu tiền tỉ - 1

Năm nay tuy vải thiều bị giảm sản lượng do thời tiết bất lợi, nhưng bù lại, giá bán cao gấp 2-3 lần nên nông dân trồng vải rất phấn khởi. Ảnh: T.L

Diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang năm nay đạt khoảng 28.000ha, với sản lượng ước đạt 150.000 tấn.

Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Sản lượng vải thiều chính vụ khoảng 22.000ha, sản lượng 110.000 tấn.

Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 13.800ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha. Đáng chú ý, năm nay huyện Lục Ngạn có 20ha vải thiều sản xuất theo mô hình vải hữu cơ.

Quệt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt, anh Hoàng Văn Chương (thôn Áp, xã Tân Quang, Lục Ngạn) cho biết, anh vừa cân xong 6 tạ vải với giá 57.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Nếu giá cứ giữ được như này thì với 170 cây vải, sản lượng khoảng 7 tấn thì năm nay gia đình anh sẽ thu về gần 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang) thông tin: Tính đến ngày 13/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 66.100 tấn vải thiều, trong đó vải sớm đã tiêu thụ gần hết với trên 37.000 tấn, vải chính vụ gần 29.000 tấn. Trên địa bàn hiện có hơn 500 điểm cân vải, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam.

Đặc biệt, với trên 1.000 thương nhân tham gia mua bán vải thiều, trong đó có khoảng 390 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân, việc tiêu thụ vải thiều hiện rất thuận lợi, nhanh chóng.

Giá vải đang ổn định ở mức cao, trong đó vải sớm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (vải lai Lục Ngạn) giá từ 40.000 – 60.000 đồng/kg; vải sớm loại đẹp có lúc cao điểm đạt trên 70.000 đồng/kg, các loại khác cũng dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Với giá bán như trên, ước tính doanh thu từ việc bán quả vải trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 2.000 tỷ đồng.

Là người đã có hơn 15 năm cân vải xuất sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Văn Cánh - chủ điểm cân ngã ba Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, cho hay: Năm nay sản lượng vải thiều tuy giảm hơn năm 2018, nhưng bù lại quả to, mẫu mã đẹp, lại không bị sâu cuống nên được thị trường Trung Quốc đánh giá cao.

Hiện giá thu mua vải dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại), cao gấp từ 2 - 3 lần so với năm ngoái.

Tư thương Trung Quốc lùng mua vải thiều, dân Bắc Giang thu tiền tỉ - 2

Một lái buôn Trung Quốc (áo xanh) kiểm tra, lựa chọn vải trước khi đóng thùng xốp đưa về nước. Ảnh tư liệu: T.Q

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thọ, đến thời điểm này giá các loại phụ kiện như thùng xốp, đá cây, dịch vụ vận tải, nhân công tuy có tăng nhưng không đột biến.

Hiện đá cây giá từ 35.000 – 50.000 đồng/cây; thùng xốp từ 28.000 – 42.000 đồng/chiếc (tùy loại to hay nhỏ). Ước tính các dịch vụ phụ trợ này cũng đem về giá trị hơn 350 tỷ đồng.

Rộng đường xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh năm nay đạt khoảng 150.000 tấn, giảm gần 50% sản lượng so với năm 2018 do thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên mẫu mã quả lại đẹp hơn nên bà con bán được giá cao.

Hiện 55% sản lượng vải tươi được tiêu thụ tại thị trường nội địa, 45% xuất khẩu (chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

“Để giúp bà con tiêu thụ vải thiều thuận lợi, mới đây nhất, tỉnh Bắc Giang đã có quyết định đầu tư xây dựng một con đường riêng cho Lục Ngạn theo hình thức BT, nhằm tạo giải pháp căn cơ, thuận lợi lâu dài cho trái vải thiều. Con đường sẽ kết nối với các tuyến đường quan trọng của tỉnh” – ông Tấn thông tin.

Tư thương Trung Quốc lùng mua vải thiều, dân Bắc Giang thu tiền tỉ - 3

Cả người dân và thương lái đều tất bật chọn mua vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: T.Q

Về việc thu mua vải thiều của thương lái Trung Quốc, ông Tấn cũng cho biết đang diễn ra thuận lợi vì năm nay tỉnh Bắc Giang đã sớm tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ở TP.Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc).

“Tại hội nghị này, những vấn đề chuẩn bị cho khâu thu mua, xuất khẩu vải thiều và những yêu cầu mới của Trung Quốc đã được 2 bên giải quyết. Từ đó, Bắc Giang nhận diện được diện tích, sản lượng vải thiều có chất lượng vượt trội, triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc… Khi vào vụ, 2 bên thống nhất bố trí thêm cán bộ, làm thêm giờ để giám định nhanh, thông quan các lô hàng kịp thời. Còn về phía tỉnh, chúng tôi tạo điều kiện tối đa về kho bãi, vốn, thủ tục xuất nhập cảnh… cũng như giám sát thường xuyên hoạt động thu mua của thương nhân Trung Quốc để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi” - ông Tấn cho biết.

Đến nay, ngoài 18 mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp tại 7 xã, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã cấp 149 mã vùng trồng với tổng diện tích 16.000ha và 86 cơ sở đóng gói cho trái vải Bắc Giang (trong đó có 30 xã và 6 doanh nghiệp huyện Lục Ngạn). Đây cũng là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Theo Minh Huệ/Danviet.vn