Thanh Hóa:
Từ 2 đàn ong tài trợ, bệnh binh nhẹ nhàng kiếm trăm triệu mỗi năm
(Dân trí) - Nhận tài trợ 2 đàn ong, bệnh binh Trương Quang Ân không những nhân lên được hàng trăm đàn để phát triển kinh tế gia đình mà còn truyền nghề cho nạn nhân da cam, người khuyết tật, giúp họ thoát nghèo.
Từ 2 đàn ong nhân lên hàng trăm đàn
7 năm trước, bệnh binh Trương Quang Ân (75 tuổi, ở xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện tài trợ 2 đàn ong để tạo sinh kế. Ngoài kiến thức nuôi ong được cán bộ Hội truyền lại, ông Ân còn bỏ công sức đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Một năm sau, mỗi đàn, ông nhân lên thành 4 đàn.
Qua mỗi mùa nuôi ong, ông Ân cẩn thận ghi chép, tích lũy kinh nghiệm và dần làm chủ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh dịch cho đàn ong của mình. Vườn ong của ông cứ thế tăng lên theo thời gian.
Không chỉ duy trì mỗi năm hơn 100 đàn để lấy mật bán, ông Ân còn có thêm nguồn thu từ việc nhân đàn bán ong giống.
Theo ông Ân, mùa thu hoạch mật ong thường vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6. Đây là khoảng thời gian mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, việc lấy mật cũng tùy thuộc vào nguồn hoa, khi nào kiểm tra thấy cầu ong có mật đầy thì người nuôi sẽ tiến hành thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch sẽ cách nhau từ 7-15 ngày. Qua tháng 6, người thu mật nghỉ khai thác để tách và nhân giống đàn ong.
Mỗi năm, hơn 100 đàn ong của ông cho thu hoạch được 5-7 tạ mật. Với giá bán 250.000-300.000 đồng/lít, mỗi năm, trừ hết chi phí, ông Ân bỏ túi hơn 100 triệu đồng. Thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong nhiều năm qua đã giúp kinh tế gia đình ông khá giả.
"Nghề nuôi ong chi phí ban đầu bỏ ra rất thấp, không cần đầu tư nhiều vốn và công sức mà chỉ cần nắm được kỹ thuật, tập tính con ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách đàn mỗi khi quá đông và năng suất phụ thuộc từng năm, từng mùa hoa", ông Ân nói.
Truyền nghề cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam
Không chỉ chăm lo cho đàn ong của mình, đầu tư lai tạo giống mới, ông Ân còn trực tiếp hướng dẫn và phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho nhiều hộ trên địa bàn, đặc biệt mở lớp dạy nghề nuôi ong miễn phí cho đối tượng là người khuyết tật, nạn nhân da cam.
Hầu hết các học viên sau khi được ông Ân truyền nghề đều phát huy hiệu quả, người ít nhất cũng có 5-6 đàn, nhiều lên đến hàng chục đàn. Đặc biệt, những gia đình khó khăn đều được ông hỗ trợ ong giống để tạo sinh kế.
"Nhờ Hội khuyết tật kết nối nên nhiều người biết và đến nhờ tôi dạy nghề nuôi ong. Có người chỉ đi được bằng 2 tay, có người dị tật nặng… Giờ họ đã biết nuôi ong lấy mật bán, có tiền trang trải cuộc sống", ông Ân tâm sự
Bệnh binh Trương Quang Ân cũng cho biết, trong tháng 4 này, ông sẽ tiếp tục dạy kỹ thuật nuôi ong cho một lớp gồm 15-16 học viên là người khuyết tật.
Anh Trần Xuân Triệu (SN 1988, xã Hoạt Giang), một người khuyết tật được học nghề từ ông Ân chia sẻ: "Tôi bị liệt suốt 18 năm và mới chỉ tập đi lại vài năm nay. Tôi được giới thiệu đến học nghề nuôi ong từ bác Ân, đến nay, gia đình tôi đã có gần 10 đàn ong lấy mật. Do đã nắm được kỹ thuật nuôi nên trong thời gian tới, tôi sẽ nhân đàn ong lên để phát triển kinh tế gia đình".
Theo ông Lê Đình Thống, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hà Trung, bệnh binh Trương Quang Ân là điển hình của nạn nhân da cam vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
"Thực hiện chương trình an sinh xã hội, Hội tài trợ cho ông Ân 2 đàn ong với mong muốn sau khi nhân đàn lên được thì ông Ân lại trao 2 đàn này cho hội viên khác. Không ngờ, chỉ sau vài năm, từ 2 đàn ong, ông Ân đã nhân lên hàng chục, hàng trăm đàn.
Sau 7 năm tiếp nhận mô hình nuôi ong, ông Ân là hội viên thực hiện mô hình nuôi ong có hiệu quả kinh tế cao nhất. Đặc biệt, ông Ân không giấu nghề mà luôn sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, ong giống giúp nhiều hội viên là nạn nhân chất độc da cam, hội viên khuyết tật… tiếp cận được với nghề. Nhiều gia đình nhờ đó thoát nghèo", ông Lê Đình Thống cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 13.000 hộ nuôi ong, với trên 102.000 đàn, tập trung tại các huyện: Thạch Thành, Thường Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Hà Trung... mỗi năm sản lượng mật ong đạt khoảng 175.000 lít, giá trị sản xuất đạt 52 tỷ đồng/năm.