Từ 1/6: Chính phủ đồng ý giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp
(Dân trí) - Nghị định 44/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định tỉ lệ đóng 0,5 % của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Chính phủ về việc giảm mức đóng trên nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo nguồn việc làm bền vững.
Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:
0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.
Cũng theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP, người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng 0,5 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) nhận định về việc giảm 0,5 % mức đóng BHTN
Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Trường hợp người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức 0,5 % mức lương hàng tháng, quy định này áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Nghị định 44/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có Tờ trình Chính phủ về việc giảm 0,5 % tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm. Mức đóng hiện tại đang là 1 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP, đối tượng tham gia điều chỉnh mức đóng như trên bao gồm: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Căn cứ của đề xuất này là tỉ lệ số chi/thu đều chiếm khoảng gần 10% trong những năm gần đây. Số kết dư đang khá lớn với 26.000 tỉ đồng. Riêng năm 2015, ước tính thu đạt 5.600 tỉ đồng, trong khi đó mức chi chỉ 460 tỉ đồng (chiếm khoảng 8 %).
Đánh giá về phương án giảm 0,5% tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH ước tính số thu quỹ sẽ giảm khoảng gần 3.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, điều này sẽ là một "cú hích" hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, hạn chế cắt giảm nhân lực, qua đó ổn định nguồn việc làm cho người lao động.
Việc giảm số thu trong khi số chi không giảm sẽ làm cho tỉ lệ chi/thu của quỹ này tăng lên khoảng 20% (trước khi giảm tỷ lệ đóng tỉ lệ này khoảng 10%). Với phương án giảm như trên, các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định không gây xáo trộn trong cân đối quỹ.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Làm giả hồ sơ thai sản, trục lợi hàng trăm triệu đồng từ BHXH
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương vừa chuyển hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Viện KSND tỉnh, đề nghị truy tố 14 đối tượng về hành vi làm giả hồ sơ thai sản, trục lợi hàng trăm triệu đồng từ BHXH. Số tiền trục lợi lên tới khoảng 900 triệu đồng.
Đối tượng chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Thị Phương, nguyên nhân viên Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam (viết tắt là Công ty Makalot). Phương có nhiệm vụ theo dõi BHXH của người lao động trong công ty. Thấy có nhiều sơ hở, Phương đã bàn bạc với một số nhân viên trong công ty tìm hồ sơ của lao động là nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai, là lao động tự do, không tham gia BHXH ở đâu, lấy các thông tin cá nhân. Sau đó, Phương lập danh sách người lao động để trình lãnh đạo Công ty Makalot ký cho họ tham gia BHXH. Tổng cộng, các đối tượng đã tìm được 36 bộ hồ sơ. Sau đó, Phương đã cùng đồng bọn ký giả chữ ký người lao động, lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia BHXH, BHYT, danh sách người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT chuyển cho lãnh đạo công ty ký và đã được BHXH huyện Thanh Hà cấp 36 sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế…
T.L
Xây dựng chế độ BHXH bắt buộc với người lao động nước ngoài tại Việt Nam
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2011 đến năm 2016, số lao động nước ngoài từ 63.557 người lên 83.046 người. Số lao động nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4% điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và tính ổn định của lao động này ở Việt Nam. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do một số yếu tố như Hiệp định thương mại tự do, hội nhập khu vực, phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết.
H.M