1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Từ 15/11: Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, ai được lợi?

(Dân trí) - “Việc áp dụng mức tăng giá hơn 1.800 dịch vụ y tế dự kiến bắt đầu từ 15/11 đối với người tham gia BHYT. Tới 1/3/2016, giá dịch vụ sẽ tính đủ với mọi đối tượng. Do vậy, 30% dân số chưa tham gia BHYT, nên tham gia BHYT từ bây giờ để giảm gánh nặng chi phí”.


Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, nhưng giữ nguyên mức đóng BHYT tới năm 2017. (Ảnh minh họa)

Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, nhưng giữ nguyên mức đóng BHYT tới năm 2017. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ do BHXH VN tổ chức chiều 26/10 tại Hà Nội.

Bản chất của tăng giá dịch vụ

Theo đại diện BHXH VN, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện thì nay được kết cấu vào giá DVYT.

“Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá sẽ từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT” - ông Phạm Lương Sơn nói.

“Từ nay đến năm 2017 chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng phí bảo hiểm y tế. Đến năm 2018, khi đã tính đủ 7 cấu phần vào giá dịch vụ y tế mới cân nhắc đến việc có điểu chỉnh mức đóng hay không. Theo quy định hiện hành, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, đến nay chúng ta đang thu 4.5%” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Đối với người bệnh, việc thay đổi này tạm thời chỉ áp dụng đối với thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đại diện BHXH VN lưu ý, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh là đối tượng chịu tác động nhiều nhất, đặc biệt là nhóm đối tượng phải cùng chi trả.

Đối với người không có thẻ BHYT, sẽ tiếp tục áp dụng mức giá theo quy định Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT hiện nay đang thực hiện.

Giải thích thêm về lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Thông tư sắp ban hành của Liên Bộ Y tế - Tài chính và BHXH VN dự kiến lộ trình thực hiện 2 bước như sau: Từ ngày 15/11, việc thực hiện theo mức giá mới gồm các hợp phần gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật).

Từ ngày 1/3/2016, mức giá sẽ thực hiện theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, tức là sẽ bao gồm thêm bao gồm cả tiền lương và áp dụng đối với người không có thẻ BHYT.

Về mức tăng, ông Phạm Lương Sơn cho biết, các cơ quan chức năng của ngành BHXH và Bộ Y tế đang tính toán cụ thể. "Tối thiểu, mức tăng dịch vụ khám sẽ gấp 2 lần so với hiện nay".

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN)
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN)

Tăng giá - ai lợi?

Theo đánh giá của BHXH VN, tác động tích cực là chủ yếu.

Về mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật, các cơ sở KCB cùng hạng trên cả nước sẽ thống nhất. Người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.

Việc chi trả từ tiền túi người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả.

Đối 30% dân số chưa tham gia BHYT, trong năm 2015 sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Tuy nhiên, theo lộ trình, trong năm 2016 sẽ áp dụng giá tính đủ 7 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi khi thực hiện khám chữa bệnh, người dân nên tích cực tham gia BHYT.

“Người bệnh sẽ không bị thu thêm nhữngchi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Chúng ta đang hướng tới điều chỉnh giá dịch vụ y tế sao cho chi phí y tế từ tiền túi người dân giảm ở ngưỡng dưới 40% vào năm 2018, đây là cơ hội để thực hiện mục tiêu đó” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Bên cạnh đó, người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính, khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế rồi thì phần ngân sách Nhà nước trước vẫn cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên…sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó đặc biệt chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.

Cuối cùng, giá dịch vụ y tế được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ KCB tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Tăng giá dịch vụ, mức đóng BHYT không tăng. Vậy tiền bù giá lấy ở đâu?

Tới tháng 10/2015, cả nước có 67 triệu người tham gia BHYT. Theo đại diện BHXH VN, kể từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của Bảo hiểm Xã hội VN nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, các cơ sở khám chữa bệnh tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm tiết kiệm được vài chục ngàn tỉ đồng.

Năm 2014, Quỹ bảo hiểm Y tế kết dư khoảng 5.200 tỉ đồng thông qua các giải pháp tăng cường quản lý. Đến nay, quỹ BHYT dự phòng đủ để đảm bảo đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này. Ước tính, Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017.

Hoàng Mạnh