1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trường hợp nào bị truy thu tiền bảo hiểm y tế?

Công ty của ông Phạm Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) có nhân viên xin nghỉ việc không hưởng lương từ tháng 2 đến tháng 4/2016. Nhân viên này bị mất thẻ BHYT và được cấp lại vào ngày 10/4/2016 và ngày 14/4/2016 thì xin chấm dứt hợp đồng, trả lại thẻ BHYT.

Công ty ông Tuấn đã làm thủ tục báo giảm nhân viên từ tháng 2/2016 do nhân viên này không đủ số ngày công tham gia BHXH (mỗi tháng chỉ có 1 ngày công). Tuy nhiên, cơ quan BHXH địa phương không đồng ý nhận lại thẻ BHYT đã cấp lại và yêu cầu truy thu tiền BHYT đến tháng 12/2016. Ông Tuấn hỏi, cơ quan BHXH yêu cầu như vậy có đúng không?

Ngoài ra, ông Tuấn cũng muốn biết, trường hợp lao động nữ tham gia BHXH được 5 tháng, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, người lao động tự nguyện nộp 1 tháng BHXH, tỷ lệ 32,5% để đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì có được không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2; Khoản 3, Điều 85 Luật BHXH năm 2014; Điểm a, Khoản 1, Điều 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT; trường hợp người lao động làm việc dưới 14 ngày trong tháng thì không phải đóng BHXH nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia BHYT.

Căn cứ quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 20 Luật BHYT năm 2008 và Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc không thuộc đối tượng tham gia BHYT phải nộp lại thẻ BHYT còn giá trị sử dụng cho Công ty để lập hồ sơ báo giảm, kịp thời gửi cơ quan BHXH.

Theo Điều 4 Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT; Khoản 2, Điều 11 Luật BHYT năm 2008 và Khoản 1, Điều 49 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, các hành vi vi phạm các quy định của Luật BHYT và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến BHYT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người lao động không đóng thay phần BHXH của doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 19, Khoản 2, Điều 21, Khoản 1, Điều 85, và Khoản 1, Điều 86 Luật BHXH năm 2014, hàng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH và trích từ tiền lương, tiền công phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Do đó, không có căn cứ để người lao động tự nguyện đóng BHXH bắt buộc bao gồm cả phần trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động.

Theo Chinhphu.vn