1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cần Thơ:

Trung thu buồn nhất trong 25 năm làm nghề lồng đèn của người thợ xứ Tây Đô

Bảo Kỳ

(Dân trí) - "25 năm làm lồng đèn trung thu, tôi chưa bao giờ buồn đến thế! Nay còn cách Trung thu một ngày nhưng chỉ bán được vài chục cái lồng đèn", bà Nguyễn Diễm Thúy - thợ làm lồng đèn rầu rĩ nói.

Trung thu buồn nhất trong 25 năm làm nghề lồng đèn của người thợ xứ Tây Đô - 1

Bà Nguyễn Diễm Thúy đang chỉnh sửa khung lồng đèn để giao cho khách hàng với số lượng rất ít.

Cận kề Tết Trung thu nhưng không khí của nhà bà Nguyễn Diễm Thúy (57 tuổi, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) không còn tất bật, hối hả chạy đơn hàng như mọi năm. Suốt 25 năm làm nghề, chưa bao giờ lượng hàng bán ra lại sụt giảm thê thảm như mùa Trung thu năm nay.

Theo lời bà Nguyễn Diễm Thúy, những năm trước để chuẩn bị cho Tết Trung thu, gia đình phải đặt mua, chuẩn bị nguyên vật liệu từ tháng 3 âm lịch, đến tháng 7 bắt tay vào làm đồ chơi.

"Có năm còn làm không kịp để giao hàng, phải huy động cả nhà mới gia công kịp cho khách", bà Nguyễn Diễm Thúy nhớ lại.

Hàng năm, gia đình bà tự sản xuất hơn 6.000 chiếc lồng đèn. Số còn lại bà đặt mua từ Hà Nội gửi vào để đủ nguồn cung cho khách. Lồng đèn do bà Nguyễn Diễm Thúy làm có nhiều mẫu mã đa dạng và kích thước như lồng đèn các con vật (thỏ, cá, mèo, hổ...), lồng đèn con thuyền, lồng đèn ông sao...

Trung bình mỗi chiếc lồng đèn trải qua khá nhiều công đoạn như tạo khung, dán giấy kiếng, vẽ hoa văn, dán lông thú (tùy sản phẩm)... So với lồng đèn điện tử thì lồng đèn thủ công vẫn khá chắc chắn và được nhiều người chọn mua.

Trung thu buồn nhất trong 25 năm làm nghề lồng đèn của người thợ xứ Tây Đô - 2

Dù mẫu mã thiết kế rất bắt mắt và không "đụng hàng" nhưng do dịch Covid-19 nên trung thu năm nay bà chỉ bán được vài chục cái, trong khi năm trước bà bán được 6.000 cái.

"Loại tre được chọn làm lồng đèn là tre lồ ô ở miền Trung, loại tre này có độ đàn hồi cao, mềm dẻo, sau đó đem chẻ, vuốt nan, cột, uốn lại một cách công phu để tạo hình cho từng sản phẩm. Đây là một trong những khâu đòi hỏi sự sáng tạo, làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn.

Do khá kỳ công nên mỗi người chỉ làm được chừng hơn 10 chiếc/ngày. Lúc vụ cao điểm hầu như gia đình tôi phải thức thâu đêm suốt sáng lắp ráp lồng đèn, trang trí và đóng gói giao cho khách", bà Nguyễn Diễm Thúy nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Kính (62 tuổi, chồng của bà Nguyễn Diễm Thúy) chia sẻ: "Khách hàng mua lồng đèn truyền thống thường là các trường học hoặc các tổ chức từ thiện mua mặt hàng này tặng học sinh nghèo".

Thông thường, ông Nguyễn Văn Kính sẽ phụ giúp vợ ở khâu làm khung chặt tre, vuốt nan làm khung lồng đèn và chở lồng đèn giao cho khách.

Trung thu buồn nhất trong 25 năm làm nghề lồng đèn của người thợ xứ Tây Đô - 3

Trung thu năm nay, chồng bà Thúy cũng không còn phụ giúp vợ giao lồng đèn cho khách mà tình nguyện đi canh chốt vùng xanh.

Tuy nhiên, mùa Trung thu năm 2021, ông Kính không còn làm các công việc trên mà chuyển sang trực chốt vùng xanh trước khu dân cư. Do dịch bệnh, không được tụ tập, việc tổ chức Trung thu chỉ trong khuôn khổ các gia đình.

Ông Nguyễn Văn Kính xác định nhu cầu người mua đồ chơi trung thu là rất ít, có làm sẵn để bán cũng chẳng được bao nhiêu.

"Năm nay, không có khách đặt hàng đồ chơi trung thu nên gia đình tôi không sản xuất mặt hàng mới. Số lồng đèn của năm trước còn dư chúng tôi dán kính, vẽ hoa văn thêm rồi ráp lại giao cho khách hàng. Từ đầu mùa đến giờ chỉ bán được hơn 30 cái thôi", ông Nguyễn Văn Kính bộc bạch.

"Bây giờ, đồ chơi nhựa, điện tử tràn lan trên thị trường nên cũng ảnh hưởng nhiều đến niềm đam mê với đồ chơi dân gian của những đứa trẻ. Cộng thêm dịch bệnh suốt hai năm khiến những người thợ làm lồng đèn truyền thống như tôi khá chật vật. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng lan tỏa hình ảnh lồng đèn trung thu dân tộc đến với thế hệ con cháu, gìn giữ nét văn hóa cha ông truyền lại", bà Nguyễn Diễm Thúy bày tỏ.