Trồng tỏi nơi đảo xa, nhà nông thu 1-1,3 tỷ đồng/ha

Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi năm người dân ở đây trồng được một vụ tỏi (trồng từ tháng 9 - 10 và thu hoạch từ tháng 2 - 3 năm sau). Trung bình mỗi ha tỏi, bà con thu về từ 1 – 1,3 tỷ đồng/vụ, cao hơn bất kỳ cây trồng, công việc nào ở nơi đây…

Nhà nhà trồng tỏi

Toàn huyện Lý Sơn có khoảng 320ha trồng hành, tỏi, phân bố ở cả 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình, trong đó An Hải là nơi trồng nhiều nhất. Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Lý Sơn, hầu hết các hộ dân ở đây đều làm nghề trồng tỏi, hành, dưa hấu, đánh bắt thủy hải sản và một số hộ làm dịch vụ du lịch. Hộ nào ít cũng có 1 sào đất trồng tỏi, hành; hộ nhiều 5 – 7 sào, thậm chí có hộ trồng tới gần 2ha.

Hầu hết các hộ dân trồng tỏi, hành ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều đã áp dụng công nghệ tưới tự động phun mưa.  Ảnh: V.T
Hầu hết các hộ dân trồng tỏi, hành ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều đã áp dụng công nghệ tưới tự động phun mưa. Ảnh: V.T

Ông Nguyễn Viết Vy – Bí thư Huyện ủy Lý Sơn khẳng định, tỏi là cây trồng chủ lực và sản phẩm đặc sản của huyện, do đó huyện chủ trương hỗ trợ và khuyến khích bà con đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như quy trình sản xuất sạch, VietGAP; tăng cường chế biến các sản phẩm từ tỏi, như tỏi đen, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của cây tỏi.

Ông Lê Hoài Ân – Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, trước đây ngành du lịch, dịch vụ ở Lý Sơn chưa phát triển, thương hiệu tỏi Lý Sơn ít được biết đến, giá trị thu nhập thấp nên ít hộ trồng. “Khoảng 7 – 8 năm trở lại đây, tỏi Lý Sơn đã xây dựng được thương hiệu, đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ cũng được huyện, tỉnh quan tâm nên du khách tìm đến Lý Sơn tham quan, nghỉ dưỡng ngày một tăng, nhờ đó đầu ra của tỏi, hành tốt hơn và có giá trị ngày càng cao” – ông Ân cho biết.

Cũng theo ông Ân, nhờ có đầu ra tốt, giá trị thu nhập cao (khoảng 50 – 60 triệu đồng/sào/vụ) nên các diện tích đất trống đã được người dân tận dụng triệt để để canh tác, cải tạo trồng tỏi, kể cả những mảnh ruộng chỉ vài chục, thậm chí vài m2 cũng được người dân trồng tỏi, hành…

Anh Lê Tấn Dũng - người thôn Đông, xã An Hải cho biết, hiện ở An Hải đã hết đất để mở rộng diện tích trồng tỏi, hành nên hầu như hộ gia đình nào có đất đều canh tác và chăm sóc cây tỏi, hành rất cẩn thận, sao cho đạt năng suất và giá trị cao nhất…

Cây làm giàu

Từ nhiều năm nay, cây tỏi, hành đã trở thành cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo và làm giàu của người dân nơi đây. Theo ông Dũng, từ khi trồng tỏi đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng, trung bình 1 sào tỏi cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng, có hộ thu tới 80 triệu đồng/sào.

Người dân xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm đất để trồng tỏi. Ảnh: V.T
Người dân xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm đất để trồng tỏi. Ảnh: V.T

Có lẽ người trồng nhiều tỏi, hành nhất Lý Sơn phải kể đến anh Dương Giáp (xã An Hải), khi anh có tới 37 sào tỏi, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn tỏi tươi và khô, thu về hàng tỷ đồng. Ngoài ruộng của gia đình, anh còn nhận thầu lại ruộng của nhiều hộ dân khác rồi thuê gần chục người làm công cho mình. Anh được người dân nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến là “vua tỏi”, không chỉ vì anh trồng nhiều tỏi, mà còn vì anh là người “bắt bệnh” tỏi rất tài tình.

Anh Giáp cho biết, gần 20 năm gắn bó với cây tỏi, giá có thể bấp bênh, song hầu như chưa bao giờ anh thất thu, kể cả vụ năm 2014 – 2015 thời tiết mưa nhiều, nhiều diện tích tỏi của bà con trên đảo bị cát vùi, giập nát thì vườn tỏi của anh vẫn xanh tốt.

Chia sẻ về bí quyết của mình, anh Giáp nói: “Đất trồng tỏi ở Lý Sơn chủ yếu là cát trắng nên khi trời mưa to kéo dài, cát sẽ bị xối vùi đảo lộn rất nhanh, nên cần phải theo dõi thời tiết để xuống giống cho phù hợp. Còn khi nhỡ xuống rồi, gặp trời mưa, bà con nên dùng lưới che để hạn chế mưa trực tiếp xối xuống luống tỏi, hành. Khi trời nắng thì dùng vòi tưới tự động để giữ ẩm cho đất…”.

Theo Danviet.vn