1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trồng loại cây "tiến vua", nông dân mỏi tay hái lá đếm tiền dịp Tết

Xuân Sinh

(Dân trí) - Mặc dù cây trầu cho thu hoạch quanh năm, song những ngày cuối năm lượng tiêu thụ tăng đột biến khiến người trồng loại cây này hết sức phấn khởi.

Xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà được xem là thủ phủ trồng cây trầu ở Hà Tĩnh. Hiện toàn xã có hơn 100 hộ dân làm nghề trồng trầu với diện tích hơn 2,5ha, trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Văn Sơn.

Theo những cụ cao niên ở địa phương, trước đây trầu của tổ tiên trồng được sử dụng để dâng lên vua, nên được mọi người gọi là trầu "tiến vua". So với các loại trầu không khác, trầu không "tiến vua" ở thôn Văn Sơn có lá dày, mùi thơm và vị cay đặc trưng mà ít nơi nào có được. Chính vì đặc điểm riêng này, trầu không "tiến vua" luôn được ưa chuộng, nhất là những ngày lễ, Tết.

Trồng loại cây tiến vua, nông dân mỏi tay hái lá đếm tiền dịp Tết - 1

Hiện toàn xã Đỉnh Bàn có hơn 100 hộ dân làm nghề trồng trầu với diện tích hơn 2,5ha, trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Văn Sơn.

Bà Nguyễn Thị Liêu (70 tuổi, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn) có hơn 40 năm gắn bó với cây trầu, vườn trầu của gia đình bà có hơn 400 gốc.

"Cây trầu có thể thu hoạch quanh năm. Ngày ít thì được khoảng 80.000 đồng, ngày nhiều thì hơn 100.000 đồng. Những ngày cận Tết, vườn trầu của tôi cho thu nhập từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/ngày", bà Liêu cho biết.

Tương tự gia đình ông Phạm Công Nhứ (71 tuổi) cũng là một trong những hộ dân có vườn trầu lớn ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, đến năm 1981, ông cũng nối nghiệp cha ông trồng và chăm sóc cây trầu không. Đến nay vườn trầu của gia đình ông có 360 gốc, trên diện tích 200m2.

Trồng loại cây tiến vua, nông dân mỏi tay hái lá đếm tiền dịp Tết - 2

Cây trầu sau một năm trồng là bắt đầu cho thu hoạch lá.

Theo ông Nhứ, trầu sau khi hái sẽ được xếp thành từng xấp, mỗi xấp 50 lá, ngày thường chỉ có giá 5.000-7.000 đồng/xấp. Vào dịp Tết, ngày lễ giá trầu tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.

"Lá trầu được chúng tôi bán quanh năm, tuy nhiên trầu từ tháng 10 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán có giá cao hơn so với những thời điểm khác. Vào thời điểm này, thương lái tìm về đến tận vườn để thu mua", ông Phạm Công Nhứ cho biết.

Trồng loại cây tiến vua, nông dân mỏi tay hái lá đếm tiền dịp Tết - 3

Dịp Tết, nhu cầu tăng cao, người trồng trầu có thể thu nhập 1-2 triệu đồng mỗi ngày.

Theo kinh nghiệm của người dân trồng trầu nơi đây, để có những lá trầu đảm bảo chất lượng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc. Khi hái lá trầu người dân không sử dụng dao hay kéo mà trực tiếp dùng móng tay bấm vào cuống lá.

Người trồng trầu "tiến vua" rất kiêng kỵ người lạ vào vườn hái lá trầu, vì quan niệm cho rằng nếu không phải chủ vườn mà hái lá sẽ khiến cây dần bị khô héo và chết đi. 

Trồng loại cây tiến vua, nông dân mỏi tay hái lá đếm tiền dịp Tết - 4

Trầu không "tiến vua" ở thôn Văn Sơn có lá dày, mùi thơm và vị cay đặc trưng mà ít nơi nào có được.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, với truyền thống lâu năm, chất lượng thơm ngon nức tiếng, làng trồng trầu không thôn Văn Sơn đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghề truyền thống Việt Nam.

Trồng loại cây tiến vua, nông dân mỏi tay hái lá đếm tiền dịp Tết - 5

Các cụ ông cụ bà thôn Văn Sơn uống nước, ăn trầu, kể cho nhau nghe những câu chuyện ngày Tết.

"Đây là loại cây mang lại cho người dân một nguồn thu nhập ổn định, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Hiện nay, địa phương đã thành lập tổ Hợp tác xã trầu không "tiến vua" với 30 hộ dân tham gia, bước đầu phát huy hiệu quả. Để khuyến khích sản xuất, xã hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, máy bơm nước, vòi tưới", Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn nói.