Kiên Giang:
Trồng dừa thấp tè, với tay hái trái, anh nông dân chinh phục vùng đất phèn
(Dân trí) - Theo anh nông dân ở miệt thứ Kiên Giang, dừa dứa thích nghi được đất phèn, mau cho trái, giá trị kinh tế cao. Mỗi năm anh có thể kiếm được gần 200 triệu đồng nhờ giống dừa ngoại nhập này.
Năm 1996, gia đình anh Đỗ Thành Khá (33 tuổi) về sinh sống ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Dù biết trước những khó khăn ở vùng đất "rốn phèn" nhưng vì kế sinh nhai, gia đình anh Khá vẫn quyết theo đuổi nghề nông để giữ đất, giữ rừng thay vì chọn con đường ly hương như nhiều người dân khác.
Anh Khá kể, ban đầu nhà anh trồng vú sữa, nhưng chỉ được một thời gian, do ảnh hưởng nước mặn nên trái vú sữa nhỏ, chín héo, năng suất thấp nên gia đình chuyển sang trồng mía và chuối. "Cây mía tuy thích nghi được vùng đất này nhưng giá thành bấp bênh, hay gặp tình trạng "dội" chợ, được mùa mất giá nên cày cuốc cả năm chẳng khá, gia đình tôi quyết định chuyển sang loại cây trồng khác", anh Khá chia sẻ.
Khoảng năm 2014, mô hình trồng dừa dứa phổ biến và lan rộng tại nhiều địa phương, trong đó có ở huyện U Minh Thượng. Sau nhiều lần đến trại dừa giống và nhà vườn học tập kinh nghiệm, anh Khá quyết định phá ruộng mía, giảm bớt diện tích trồng chuối, chuyển sang trồng dừa dứa.
Theo anh Khá, cây dừa có xuất xứ từ Thái Lan. Loại dừa này cho trái giống như dừa xiêm xanh nhưng nước và cùi dừa có mùi đặc trưng, thơm như mùi lá dứa nên người tiêu dùng rất ưa thích. Cây dừa lùn, thân thấp, rất dễ hái quả, thu hoạch. Ngoài sản xuất dừa nước, dừa khô, dừa dứa còn được sử dụng như cây công trình, cây xanh cảnh quan.
"Do giá dừa giống khi ấy khá cao nên tôi chỉ mua được 50 gốc trồng để làm giống. Dừa dứa trồng từ 2,5 năm đã có lưỡi mèo. Từ lúc dừa trổ buồng đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 6 tháng. Đợi dừa khô tôi giữ lại ươm giống, mất đến 3 năm mới được vườn dừa như hiện tại", anh Khá nói.
Diện tích vườn khoảng 3 ha nhưng có khoảng 1 ha mặt nước, anh Khá dùng để nuôi cá đồng, số còn lại anh tận dụng xen canh dừa dứa và chuối xiêm. Từ 50 gốc dừa ban đầu, hiện anh nông dân 8X đã nhân giống, nâng tổng số lên 500 gốc dừa dứa, trong đó có 250 gốc đã cho thu hoạch nhiều đợt.
Cũng theo anh Khá, dừa dứa khá thích hợp với thổ nhưỡng nhiễm phèn tại U Minh Thượng. Cách trồng dừa dứa của anh cũng khá đặc biệt. Dừa trồng 2 hàng song song dọc theo bờ bao, mỗi cây cách nhau khoảng 5 m. Ở giữa còn khoảng trống anh sẽ tận dụng trồng chuối xiêm.
"Vòng đời của dừa dứa chỉ khoảng 10 năm. Sau thời gian này, năng suất dừa giảm, chất lượng kém hơn nên tôi phải trồng xen những cây dừa nhỏ, đợi khi những cây dừa già hết khả năng thu hoa lợi tôi sẽ đốn bỏ, để dừa mới phát triển, thay thế", anh Khá tiết lộ.
Như những giống dừa khác, dừa dứa phát triển tốt và cho trái vào mùa mưa, đến mùa khô thì chậm dần. Giống dừa này cho trái rất sai, mỗi cây có thể đạt từ 10 đến 12 buồng dừa, số lượng 8-12 trái/buồng, năng suất rất cao.
Do là mặt hàng được thị trường ưa chuộng nên anh Khá không lo ngại về đầu ra. Dừa nước anh chỉ sản xuất số lượng ít theo đơn đặt hàng mà chủ yếu cung cấp dừa giống cho cơ sở cây giống, bao tiêu với giá 12.000 đồng/trái. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh Khá có thể bỏ túi gần 200 triệu đồng mô hình canh tác dừa dứa trên đất phèn.