1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Trong 5 năm, VN sẽ có đội ngũ giảng viên CTXH hoàn thiện”

“Ít nhất, chúng ta phải chờ đợi thêm 5 năm tới. Khi đó, đội ngũ những người đi học ở nước ngoài về ngành CTXH mới về nước để bổ sung và thay thế cho đội ngũ giảng viên hiện nay. Thậm chí, có thể phải lâu hơn vì còn nhiều người vẫn đang công tác”.

Ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo nghề CTXH tại VN, trao đổi với PV Dân trí về thực trạng công tác đào tạo nghề CTXH hiện nay.

Trong 5 năm qua, ông có thể cho biết những “điểm sáng’ trong công tác triển khai đào tạo nhân lực ngành CTXH?

Trong 5 năm gần đây, công tác đào tạo CTXH có nhiều sự đột phá. Cả nước hiện có 50 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về nghề CTXH. Chúng ta không chỉ có cử nhân, mà đã có thạc sĩ và tiến sĩ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu chuyên nghiên cứu sâu.

Các nhà trường đang đào tạo khoảng 400 thạc sĩ, hàng chục ngàn sinh viên trong ngành. Thậm chí, các trường nghề đã đào tạo mức sơ cấp nghề, trung cấp nghề CTXH.


VN cần tới 300.000 nhân viên CTXH trong thời gian tới.

VN cần tới 300.000 nhân viên CTXH trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá công tác đào tạo ngành CTXH, ông có thể nói điều gì?

Nội dung chương trình đào tạo của chúng ta chưa hội nhập với quốc tế. Khung chương tình đào tạo hiện đang bị bó “cứng” bởi khung chương trình của Bộ giáo dục đào tạo. Các trường chỉ chủ động vài chục %.

Mặt khác, chuẩn đào tạo của VN chưa tính tới chuẩn đầu ra hợp lý. VN chỉ có 4,5 tiêu chuẩn và viết rất chung chung. Các thầy cô giáo dựa vào chuẩn chung chung này để viết giáo trình khó. Trong khi đó, quốc tế có tới 9 chuẩn và hơn 40 tiêu chí nghề.

Còn ở VN, đào tạo dựa trên kiến thức hiểu biết tới đâu thì xây dựng giáo trình tới đó. Chuẩn của VN quá chúng chung, không tạo sức ép nhiều.

Trong khi đó, đào tạo theo chuẩn “đầu ra” của quốc tế còn khác với đào tạo truyền thống của VN. Theo đó, các thầy cô phải dựa vào tiêu chuẩn đó để đọc tài liệu và xây dựng giáo trình đáp ứng chuẩn. Ví dụ: Sau mỗi học phần đòi hỏi người học có kiến thức ra sao, kỹ năng và thái độ thế nào?

Nhu cầu về đội ngũ nhân lực làm nghề CTXH hiện ra sao, thưa ông?

Theo tính toán, mỗi 1.000 người dân cần tới 1 nhân viên CTXH chuyên nghiệp và 2 nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp. Như vậy, VN cần tới khoảng 300.000 nhân viên CTXH. Nhưng thực tế, VN mới chỉ có khoảng 80.000 nhân viên CTXH, trong đó mới chỉ có số ít được đào tạo chuyên nghiệp.

Đặc biệt, nhân lực cấp cơ sở đang thiếu và bị ôm đồm công việc. Người cán bộ cấp cơ sở đang phải làm đa năng nhiều công việc. Chúng tôi đang đào tạo 3 trong 1: Kiến thức về nghề CTXH, chính sách luật pháp và tâm lý.

Hy vọng trong 5 năm tới, chúng ta sẽ hội nhập về phương pháp và nội dung đào tạo với thế giới.


Ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo nghề CTXH tại VN,

Ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội các trường đào tạo nghề CTXH tại VN,

Trong công tác tuyển dụng, nhiều đơn vị còn cho rằng sinh viên ngành CTXH còn yếu về kỹ năng thực hành?

Về thực hành chúng ta đang khắc phục dần. Các nước quy định thời gian thực hành tối thiểu là 60% thời gian học. Nhưng ở VN mới chỉ 50%, thậm chí nhiều trường chưa đáp ứng được điều này.

VN hiện có hơn 34 cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội thực sự, còn lại là các cơ sở trợ giúp xã hội. Việc đưa sinh viên tới cơ sở trợ giúp xã hội chỉ quan sát được công tác nuôi dưỡng đối tượng chăm sóc. Còn tới cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, sinh viên mới có thể được học kỹ năng tư vấn, tham vấn, kết nối dịch vụ, quản lý trường hợp và các nghiệp vụ chuyên sâu của CTXH.

Ngoài ra, chúng ta còn thiếu đội ngũ kiểm huấn viên đào tạo thực hành cho sinh viên tại các cơ sở cung cấp dịch vụ. Các trường đang phải có giáo viên để dạy thực hành cho họ.

Các cơ sở tư nhân đang thực hiện cung cấp cơ sở thực hành và dần dần có thêm kiểm huấn viên. Hiệp hội đang tổ chức kiểm huấn viên ở khắp nơi. Những người này cam kết tiếp nhận yêu cầu thực hành của các trường ĐH.

Đồng thời, Hiệp hội xây dựng, mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, cầu nối thực hành cho sinh viên.

Mặc dù xu hướng phát triển ngành rất lớn thơi gian tới, nhưng thực tế là hiện nay có một số lượng không nhỏ cử nhân ngành CTXH chưa có việc đúng chuyên môn, thưa ông?

Vấn đề học và tạo việc làm đòi hỏi sự gắn kết với nhau. Cách đây vài năm, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ngành CTXH trong năm đầu rất cao. Thậm chí có trường nói tỉ lệ thất nghiệp tới 50-60 %, tỉ lệ thất thoát trong đào tạo lên tới  7-8.000 tỉ.

Đây là thời điểm do Bộ GD - ĐT, Bộ Y tế chưa kịp thời triển khai Đề án phát triển hệ thống dịch vụ và trung tâm công tác xã hội. Mới chỉ có Bộ LĐ-TB&XH vào cuộc.

Nhưng tới nay, Bộ LĐ-TB&XH có chương trình xây dựng các Trung tâm công tác xã hội ở cộng đồng ở 700 huyện, Bộ giáo dục và đào tạo thực hiện Đề án tư vấn học đường. Nếu đúng như  quy hoạch, mỗi trường học cần 1 cán bộ CTXH, bệnh viện cần 1 nhân viên CTXH, mỗi tòa án cần 1 nhân CTXH cho các trường hợp vị thành niên…chúng ta sẽ cần nhiều nhân lực.

Tất nhiên, vấn đề chính sách cũng quan trọng. Bộ Nội vụ cũng cần xây dựng cơ chế để làm rõ việc nhân viên CTXH làm vệc trong các cơ quan nhà nước có cần biên chế hay chỉ cần hợp đồng.

Với sự vào cuộc đồng bộ của 4-5 Bộ, tôi hy vọng áp lực việc làm sẽ phần nào giảm bớt với sinh viên ngành CTXH khi ra trường.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Tin liên quan:

Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Người khuyết tật, đánh giá giữa kỳ Đề án 1019

Trong tháng 11 tại Ninh Bình, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB$XH) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và đánh giá giữa kỳ Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 -2020. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, sau 5 năm thực hiện, Luật Người khuyết tật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã thành lập Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cấp xã theo đúng quy định; trên 1,3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật đa số là các trường hợp NKT nặng và đặc biệt nặng; số NKT được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng là 796.521 người. Giai đoạn 2010 - 2014, cả nước có khoảng 120.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm với các nghề trồng trọt, phát triển nhóm sản xuất quy mô nhỏ, nghề thủ công...Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cần tập trung thảo luận, góp ý cho những kết quả đạt được, những tồn tại của Luật sau 5 năm thực hiện và hơn 2 năm Đề án 1019 có hiệu lực, cụ thể: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Luật ở địa phương; những thuận lợi, khó khăn của địa phương khi triển khai Luật NKT xét ở các góc độ như sự quan tâm, chỉ đạo, các văn bản, chính sách...

N.P

Tháng 10/2015: Cả nước có 432 cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH

Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ cho trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm CTXH, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trong cả nước là 432 cơ sở. Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đã triển khai nhiều chính sách liên quan đến CTXH có tính bao trùm tới nhiều đối tượng như: Nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với hơn 8.700 cộng tác viên.“Các mục tiêu cụ thể của Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2015 đã đạt được, điển hình là mục tiêu về xây dựng, thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Đã có nhiều mô hình trung tâm CTXH vận hành rất hiệu quả” -  ông Nguyễn Văn Hồi cho biết. Theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội, hàng loạt các trung tâm CTXH như: TT CTXH tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh đang có hiệu quả tốt. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường triển khai nhiều hoạt động với Hiệp hội Dạy nghề và nghề CTXH nhằm tạo ra diễn đàn nghề nghiệp của cán bộ xã hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về nghề nghiệp, chuyên môn và các hoạt động khác, trợ giúp và bảo vệ quyền của người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người yếu thế trong xã hội.

D.A

TPHCM: Tập huấn cho 46 bác sĩ, điều dưỡng về nghiệp vụ công tác xã hội

Từ 4/8-6/8, tại TP HCM, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng thuộc Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghề công tác xã hội trong ngành y tế”. Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ của Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế”, thu hút 46 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2.Nội dung khóa tập huấn cung cấp cho học viên các kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội trong ngành y tế, giúp học viên có cách nhìn và hiểu đúng về ý nghĩa của công tác xã hội. Bên cạnh đó, học viên hiểu thêm về mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân - thân nhân, đánh giá và nhìn nhận những mâu thuẫn đang tồn tại của đôi bên, từ đó có hướng giải quyết tốt hơn trong công việc của mình. Một số kỹ năng công tác xã hội tại bệnh viện được tập trung trau dồi qua lớp tập huấn là: Kỹ năng lắng nghe, quan sát đặt câu hỏi, điều phối và kết nối, thấu cảm, tham vấn tạo động lực…Theo các học viên, khóa tập huấn đã giúp họ có thêm những kiến thức và kỹ năng về công tác xã hội, từ đó có thể áp dụng vào công việc chăm sóc, tư vấn cho bệnh nhân hiệu quả hơn.

P.M