Trò vui bắt dế mang lại nửa triệu đồng mỗi ngày
(Dân trí) - Sau trận mưa, người dân xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa mang theo cuốc, chậu ra bãi bồi sông Chu bắt dế. Công việc thời vụ này giúp nhiều nông dân đút túi nửa triệu đồng mỗi ngày.
Sáng sớm, anh Nguyễn Văn Sơn, 33 tuổi, thôn Nguyên Thành, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cùng nhóm thanh niên trong thôn mang theo cuốc, xô, chậu ra bãi bồi sông Chu để săn dế.
Anh Sơn cho biết, hàng ngày anh làm nhân viên phục vụ quán ăn ở thành phố Sầm Sơn, tranh thủ ngày nghỉ về quê chơi, anh cùng các bạn trong thôn đi đào dế.
"Dế là con đặc sản, chế biến được nhiều món ăn rất ngon, vì thế loài côn trùng này luôn được giá. Trung bình 1kg dế có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng", anh Sơn nói.
Anh Sơn cho hay, một buổi sáng, 2 người bắt dế chuyên nghiệp có thể bắt được 2kg, thu về hơn nửa triệu đồng. Đi đào dế cũng là lúc mình thoải mái, thư giãn và để ôn lại kỷ niệm tuổi thơ.
Với kinh nghiệm 15 năm săn dế, bà Nguyễn Thị Luận, 51 tuổi, thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên, cho biết việc săn dế cũng cần phải có nghệ thuật, tuyệt chiêu riêng.
Theo người phụ nữ này, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, khi trời bắt đầu vào mùa mưa, độ ẩm cao, dế thường làm hang, xây tổ và sinh sản ở nương rẫy, cánh đồng hoặc bãi bồi. Lúc này, bà cùng người dân trong thôn dậy sớm, đi dọc các bãi bồi sông Mã, sông Chu để săn dế.
"Các ụ đất mới nổi lên là nơi dế mèn làm tổ. Để bắt dế phải đi vào buổi sáng vì dễ đào và lúc này dế đang ngủ ở trong hang chưa ra ngoài kiếm ăn", bà Luận cho biết.
Sau khi tìm được tổ dế, thợ săn đưa tay gạt đi lớp đất mới để lộ phần miệng tổ ra, rồi dùng cuốc đào sâu 20-40cm. Với những miệng hang nông, khi bị đánh động, dế sẽ tự chui ra. Còn với những miệng hang sâu, người thợ phải đổ nước để bắt dế.
"Lúc nước ngập tổ, dế không chịu được, buộc phải bò ra. Dế mèn cực kỳ thông minh, nên khi thấy dế ló đầu ra khỏi hang, người thợ săn cần phải nhanh tay, khéo léo túm lấy đầu hoặc mình dế", bà Luận bật mí.
Bà Luận cho biết, nghề bắt dế tuy khó nhọc nhưng bà chủ động được thời gian. Một buổi sáng, bà bắt được hơn 1kg dế, thu về khoảng 300.000 đồng. Buổi chiều, bà có thời gian cho công việc đồng áng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc gia đình.
Là thương lái thu mua dế nhiều năm, chị Đinh Thị Năm, 40 tuổi, thôn Nguyên Hưng, xã Thiệu Nguyên, cho biết mỗi ngày thu mua khoảng 20kg dế từ người dân trong xã. Sau khi thu mua, chị Năm bán cho các quán ăn trong tỉnh và gửi đi Hà Nội, các tỉnh, thành phía Nam.
"Dế sau khi được bỏ cánh, làm sạch ruột, có thể chế biến thành nhiều món như: rang muối sả ớt, chiên giòn, chiên bột, nướng. Trước kia, đây là món ăn dân dã, nhiều năm trở lại đây, các nhà hàng, quán nhậu thu mua dế để bán cho khách", chị Năm chia sẻ.
Ông Ngô Xuân Thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết nhiều năm nay, người dân trong xã có thêm nghề phụ là săn dế. Việc săn dế mang lại thu nhập khá cho khoảng 30 hộ dân trên địa bàn xã lúc nông nhàn.
"Nhiều năm qua, dế trở thành món ăn đặc sản, vô cùng hấp dẫn được nhiều người săn tìm. Vì vậy, công việc bắt dế cũng đem lại thu nhập khá cho nông dân trong những lúc nông nhàn", ông Thư nói.