Triệu phú "gà bay" dưới chân núi ở biên giới Việt - Lào

Quang Dũng

(Dân trí) - Lần đầu khởi nghiệp thất bại, không từ bỏ, cặp vợ chồng trẻ ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (Nghệ An) quyết tâm làm lại và đã trở thành triệu phú nhờ phát triển mô hình gà ri.

Do điều kiện gia đình, anh Quang Văn Trung (SN 1994), chỉ học hết lớp 9. Lớn lên, anh Trung gặp và yêu Vi Thị Liên (SN 1995), quê xã Tri Lễ, huyện Quế Phong rồi nên duyên vợ chồng.

Cuộc sống chủ yếu chỉ dựa vào nương rẫy, còn khó khăn nên vợ chồng anh Trung tìm cách khởi nghiệp. Sau một thời gian nghiên cứu, được bố mẹ anh Trung cho 3ha đất rừng khai hoang trồng cây quế. 

Triệu phú gà bay dưới chân núi ở biên giới Việt - Lào - 1

Trang trại gà của gia đình anh Quang Văn Trung (Ảnh Hoàng Tùng).

Năm 2017, vợ chồng anh Trung bắt tay vào nuôi gà. Ban đầu, anh chị mua gà giống dưới xuôi lên, với hy vọng giống gà to, khỏe, sẽ nhanh lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Dù được phòng bệnh và chăm sóc cẩn thận nhưng gà vẫn ngày càng còi cọc và chết dần khiến lần khởi nghiệp đầu tiên của vợ chồng anh Trung phá sản.

Khởi nghiệp thất bại, vốn liếng mất hết nhưng vợ chồng anh Trung không đầu hàng. Sau khi nghiên cứu kỹ, anh Trung cho rằng, chỉ có gà bản địa mới phù hợp và phát triển được với khí hậu địa phương.

"Khi đó thất bại, hết tiền, vợ chồng tôi tính mãi cũng không ra cách. Dịp đó, huyện và xã cũng hỗ trợ, động viên nên chúng tôi bàn nhau đi thu mua gà giống ở các bản trong xã về nuôi. Sau khi mua gà về tiến hành nhỏ mắt và tiêm phòng dịch. Nhờ được chăm sóc đúng cách, gà phát triển nhanh", anh Trung chia sẻ.

Giờ đây, dưới chân núi Pà Cà Tủn (dãy núi ngăn cách giữa Việt Nam và Lào), là một trang trại với cả ngàn con gà ri. Đây là giống gà nhỏ, con nặng nhất 1,5kg. Giống gà có thịt mềm, thơm và ngọt, đang được thị trường ưa chuộng. Người dân địa phương vẫn thường gọi đây là gà bay, bởi giống gà này mỗi khi thấy người là bay như chim.

Ngày ngày, chị Liên ở nhà làm thức ăn cho gà. Còn anh Trung lái xe tải chở gà ra thị trấn Kim Sơn (cách 15km), để nhập cho các nhà hàng và khách sạn.

Sau 5 năm, đến nay vợ chồng anh Trung đã có nhà cửa khang trang, còn sắm được ô tô con, xe tải và có hàng trăm triệu gửi tiết kiệm.

"Gà bản địa dễ nuôi hơn nhiều, nhà tôi chỉ cho gà ăn khoai, sắn tươi, dùng máy cắt nhỏ, cám trộn với rau rừng. Riêng gà đẻ, cho ăn thêm lúa. Thức ăn cho gà thì sắn, khoai và rau hái trên rừng…", chị Liên chia sẻ.

Sau khi nuôi thành công năm đầu tiên, vợ chồng anh Trung tự nghiên cứu và quyết định mua lò ấp điện để tự nhân giống gà. Đến nay, ngoài cung cấp gà thịt cho thị trường, vợ chồng anh còn cung cấp gà giống cho các hộ khác.

Triệu phú gà bay dưới chân núi ở biên giới Việt - Lào - 2

Chị Vi Thị Liên cho gà ăn trong trang trại (Ảnh Hoàng Tùng).

Riêng gà thịt giá 150.000 đồng/kg, gà giống 15.000 đồng/con. Mỗi tháng gia đình anh Trung thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Thấy vợ chồng anh Trung nuôi thành công giống gà ri, nhiều hộ khác trong xã đã đến học hỏi mô hình. Hiện tại trong xã đã có 17 hộ nuôi và được gia đình anh Trung cung cấp con giống, thu mua gà thịt, chở đi bán.

"Trang trại của tôi đang nuôi hơn 1.000 con cả gà thịt, gà đẻ và gà giống. Giống gà bản địa nên hợp khí hậu và nguồn nước, ít bệnh, dễ chăm sóc, phòng dịch. Nhu cầu tiêu thụ gà ri rất lớn", anh Trung nói.

Ông Sầm Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải, chia sẻ: "Vợ chồng anh Trung và chị Liên là người làm mô hình nuôi gà ri đầu tiên của xã và đã thành công. Sau khi thành công, vợ chồng anh đã hướng dẫn cho bà con cách nuôi, phòng bệnh. Hiện tại, trong xã đã có 17 hộ nuôi theo mô hình của anh Trung. Xã cũng thường xuyên vận động bà con học hỏi mô hình để phát triển kinh tế".