Trần ai đòi lương

Dù được tòa xử thắng kiện nhưng đến nay, công nhân ở các doanh nghiệp vắng chủ vẫn chưa được trả lương vì vướng thủ tục

Sau hơn nửa tháng truy tìm giám đốc để đòi lương trong vô vọng, giữa tháng 2-2015, hơn 100 công nhân (CN) Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt (trụ sở tại quận 12, TP HCM) rất đỗi vui mừng khi có người đứng ra thanh lý tài sản trả lương cho CN.
Công nhân Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt chỉ nhận được 65% lương nhưng “có còn hơn không”

Công nhân Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt chỉ nhận được 65% lương nhưng “có còn hơn không”
Trước khi bán máy móc, đại diện công ty ra điều kiện: Bán được bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu và CN phải cam kết xóa hết nợ cho công ty nếu số tiền bán máy không đủ trả lương cho họ. Sau đó, dù chỉ nhận được 65% tiền lương bị nợ nhưng CN vẫn chấp nhận vì họ thấy mình cũng còn may mắn hơn CN ở nhiều doanh nghiệp vắng chủ khác.

6 năm đi kiện vẫn trắng tay

Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt sử dụng 119 CN nhưng chỉ khoảng 20 người được ký hợp đồng. Khi giám đốc công ty đột ngột “biến mất”, đa số CN rất hoang mang vì không có giấy tờ gì để làm căn cứ khởi kiện ra tòa. “Cũng may, giám đốc còn chút tình và các cơ quan chức năng giải quyết linh động chứ nếu cứ đòi phải có giấy tờ chứng minh như ở tòa thì có lẽ CN mất trắng tiền lương của mình” - CN Lê Thị Ni cảm kích.

Điều mà CN Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt lo ngại không phải là vô cớ khi bài học của Công ty Vina Haeng Woon Industry (quận 8, TP HCM) đang hiện hữu trước mắt họ. Tháng 10-2008, Giám đốc Công ty Vina Haeng Woon Industry bỏ trốn khi còn nợ CN khoảng 2 tỉ đồng tiền lương.

Khi đó, LĐLĐ quận 8 đại diện tập thể CN làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với công ty. Tháng 4-2009, TAND TP HCM có quyết định mở thủ tục phá sản. Ngày 15-11-2011, TAND TP ra quyết định bán đấu giá tài sản của công ty. Tháng 2-2012, việc bán đấu giá tài sản của công ty hoàn tất, thu được hơn 1,9 tỉ đồng. Đến nay sau khi gửi ngân hàng, số tiền này đã lên khoảng 2,1 tỉ đồng.

Công nhân Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt chỉ nhận được 65% lương nhưng “có còn hơn không”

Bà Đỗ Thị Mỹ Dung - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, TP HCM, người đã đeo bám vụ việc khi còn đương chức đến nay đã nghỉ hưu - cho biết do tòa án không ra “quyết định phá sản” nên dù tài sản của công ty đã thanh lý, tiền đã ở trong ngân hàng nhưng sau gần 7 năm chờ đợi, CN vẫn chưa thể nhận lương.

Một lý do khác mà tòa án đưa ra là bảng lương của CN không có chữ ký của đại diện doanh nghiệp và con dấu. “Nếu cứ đà này, chưa biết khi nào CN mới được nhận lương” - bà Dung trăn trở.

Mòn mỏi chờ...

“Phải chờ” là câu cửa miệng mà cán bộ cơ quan thi hành án trả lời CN Công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn, TP HCM) khi họ đến gõ cửa cơ quan này. Một CN cho biết sau hơn 1 năm kiên trì theo đuổi vụ kiện đòi lương, tháng 9-2014, tòa xử cho 141 CN thắng kiện.

“Những tưởng hết thời gian kháng cáo, tòa án sẽ tiến hành thanh lý tài sản lấy tiền trả lương cho chúng tôi, ai dè tòa bảo vì chủ doanh nghiệp là người nước ngoài (Hàn Quốc) nên phải chờ thêm 4 tháng nữa, sau khi hoàn tất thủ tục tuyên bố chủ doanh nghiệp mất tích mới có thể thanh lý tài sản. Chẳng biết sau thủ tục này, còn phát sinh thủ tục nào khác nữa không, trong khi máy móc ngày càng xuống cấp và mất giá. Rất có thể cuối cùng số tiền lương đến tay chúng tôi còn không đủ chi phí xăng xe cho những lần chạy tới chạy lui thưa kiện” - CN này bức xức.

Trước đó, vào tháng 9-2013, ông Jung Young Woo, giám đốc công ty, đã bỏ đi mất biệt khi còn nợ CN hơn 725 triệu đồng tiền lương. Thời điểm đó, công ty còn một số máy móc tại nhà xưởng ước tính trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Do quá túng quẫn vì bị nợ lương, một số CN đã xé niêm phong, mở cửa xưởng định lấy máy móc đem bán nhưng cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn kịp thời.

Sau đó, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã hướng dẫn CN khởi kiện theo đúng quy định. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết: “Cuối tháng 2-2015 là hết hạn 4 tháng mà phía tòa án yêu cầu để hoàn tất thủ tục cần thiết, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện đốc thúc cơ quan thi hành án sớm thực hiện việc thanh lý tài sản để trả lại quyền lợi chính đáng cho người lao động”.

Theo Báo Người lao động