Trả hết nợ lương đã là thưởng tết!

Có thưởng tết không, thưởng tết bao nhiêu đang là câu chuyện thu hút sự quan tâm của hầu hết người lao động. Bên cạnh những niềm vui còn có những tiếng thở dài của không ít người đã bị nợ lương lâu nay chưa rõ đến ngày nào được trả…

Ngày 17/12, 20 lao động mới nghỉ việc của công ty S-Fone (tại Hà Nội) đã tập trung trước cổng công ty, nơi cũng vừa bị đóng cửa vì nợ tiền thuê nhà, để đòi được trả lương. Đây chỉ là một số nhỏ trong số hàng trăm lao động đang bị công ty nợ lương kể từ tháng 6 đến nay. Kể từ tháng 12.2011, công ty này đã cắt giảm nhân sự từ 400 người xuống còn 21 người, và tới ngày 5/11/2012 thì số lao động này cũng phải nghỉ vì không có việc làm và đặc biệt hầu hết họ bị nợ lương từ tháng 6 tới nay.
 
Trả hết nợ lương đã là thưởng tết!
Lao động mới nghỉ việc của công ty S-Fone tập trung trước cổng công ty, nơi cũng vừa bị đóng cửa vì nợ tiền thuê nhà, để đòi được trả lương.

“Những lao động như chúng tôi chỉ mong được trả hết số lương bị nợ, cũng chẳng mong có bảo hiểm thất nghiệp vì công ty còn nợ tiền bảo hiểm, nghĩ gì đến thưởng tết?”, bà Đỗ Thị Ngọc Khánh, chủ tịch Công đoàn của công ty này cho biết.

Công ty S-Fone hiện đã đóng cửa và đại diện công ty là ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc chi nhánh Hà Nội của công ty cũng chưa thể hứa hẹn đến ngày nào người lao động sẽ được trả nợ lương. Ngay cả khi gặp người lao động, ông Tuấn cũng không còn trụ sở để làm việc vì trụ sở đã bị niêm phong, đóng cửa.

Thua lỗ, nợ lương nhân viên là những câu chuyện diễn ra không ít. Người lao động đi làm việc không lương từ 3 – 6 tháng đã diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, đơn vị. Giám đốc một công ty xây dựng đã nói thẳng ra thực tế đang diễn ra ở nhiều công ty xây dựng như công ty ông: “Từ giờ đến tết trả được lương cho người lao động đã là kỳ tích rồi, nói gì chuyện thưởng tết”.

Khác với sự ồn ào của các công ty chứng khoán khoảng 4 – 5 năm trước mức thưởng cho nhân viên luôn thuộc hàng “đỉnh”, năm nay các công ty chứng khoán lại là nơi hầu như không có thưởng tết cho nhân viên. Có tới 2/3 trong số 105 công ty chứng khoán trên thị trường đã ngừng hoạt động, đóng cửa. Mức lương 4 triệu đồng/tháng đối với một nhân viên môi giới giỏi, kỳ cựu đã rất khó đảm bảo. Mức lương 1 – 2 triệu đồng/tháng là phổ biến, tới mức nhân viên buộc phải bỏ nghề.

Tại TP.HCM, nơi năm trước có khoảng 20.000 doanh nghiệp bất động sản hoạt động thì năm nay đã có từ 6.000 – 8.000 doanh nghiệp đóng cửa. Doanh nghiệp đóng cửa, lao động ra đường là hiện thực buộc họ phải chấp nhận, mơ gì đến chuyện thưởng tết!

Thực tế việc báo cáo, khảo sát của các cơ quan quản lý về thưởng tết chỉ dựa trên số doanh nghiệp đang còn hoạt động và không gặp khó khăn. Các cơ quan quản lý không có số liệu từ những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, do vậy các công bố lạc quan về thưởng tết khó có thể bao quát được bức tranh chung của năm nay.

Tại nhiều công ty nhà nước, nơi người lao động mới chỉ được tạm ứng 80% tiền lương thì việc có được trả nốt 20% lương hay không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cuối năm. Trong trường hợp kết quả kinh doanh của năm nay đạt kế hoạch và có tăng trưởng đúng kế hoạch, người lao động sẽ được trả hết 20% lương còn lại và được thưởng từ quỹ phúc lợi trích từ hoạt động kinh doanh tốt. Tuy nhiên, sẽ có không ít doanh nghiệp không trả được 20% lương còn lại này vì kinh doanh khó khăn, thua lỗ.

Theo Tây Giang
Sài Gòn Tiếp thị