1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Trả giá nửa triệu mỗi ngày vẫn thiếu người thu hoạch "vàng đen"

Đặng Dương

(Dân trí) - Hồ tiêu nhiều vườn ở Tây Nguyên đã chín đỏ gốc nhưng vẫn chưa tìm được người thu hoạch dù giá nhân công đã được đẩy lên cao.

Hồ tiêu được ví như "vàng đen" ở các tỉnh Tây Nguyên. Hiện giá hồ tiêu từng bước phục hồi, ở mức cao, dao động trên dưới 80.000- 85.000 đồng/kg, khiến người trồng tiêu phấn khởi. Thế nhưng, hiện nay các chủ vườn tiêu lại đang gặp khó khăn vì thiếu nhân công thu hoạch.

"Vàng đen" được giá, đẩy giá nhân công

Theo các chủ vườn tiêu, hiện lượng lớn lao động phổ thông trong tỉnh Đắk Nông đã trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. Lao động mùa vụ tại các tỉnh khác thì vừa nghỉ Tết xong vẫn chưa đi làm. Các chủ vườn tiêu dù đã tìm nhân công khắp nơi, nhưng vẫn không có kết quả.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song), có hơn một héc-ta hồ tiêu đã chín rực từ trước Tết. Ngay từ mùng 4 Tết, vợ chồng ông đã phải ra vườn để hái tiêu.

Trả giá nửa triệu mỗi ngày vẫn thiếu người thu hoạch vàng đen - 1

Nhiều nhà vườn hiện đang tất bật thu hoạch hồ tiêu - "vàng đen" ở Tây Nguyên.

Theo ông Hồng, mọi năm trước, sau Tết vài ngày là có người đến hái tiêu, nhưng năm nay hết kỳ nghỉ Tết nhiều ngày, nhân công thu hoạch hồ tiêu vẫn chưa đi làm. Nhiều chủ vườn đã liên lạc, gọi cho những mối quen mọi năm nhưng đều bị họ từ chối.

Hiện nay, giá thuê nhân công thu hoạch hồ tiêu cũng đang ở mức cao, bình quân khoảng 9 triệu đồng/tấn tiêu tươi. Mức giá này các nhà vườn vẫn đang chấp nhận được. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, người thu hái hồ tiêu làm việc không bảo đảm năng suất, khiến chi phí tăng thêm từ 4 - 5 triệu/tấn quả tươi.

Trả giá nửa triệu mỗi ngày vẫn thiếu người thu hoạch vàng đen - 2

Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra tại nhiều địa phương từ sau Tết Nguyên đán tới nay,

Ông Lê Văn Dũng (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô) cho biết, sau nhiều ngày lên mạng xã hội đăng bài tìm kiếm nhân công, gia đình ông này mới thuê được 7 người thu hái tiêu, nhưng năng suất làm việc của họ chỉ bằng khoảng 3 người so với trước.

Sau một tuần, ông Dũng phải chuyển hình thức thuê khoán, từ trả công nhật sang khoán sản lượng để đảm bảo tiến độ mùa vụ.

"Mỗi ngày công chúng tôi trả cho thợ hái tiêu khoảng 300.000 đồng nhưng họ hái rất chậm. Tuy nhiên, khi chuyển qua hái khoán sản lượng, mỗi ngày họ hái được cả 20 trụ tiêu nên một người có thể kiếm được gần 500.000 đồng tiền công. So với những năm trước, giá nhân công tăng cao quá", ông Dũng cho hay.

Chấp nhận "yêu sách" để có người thu hoạch

Trên một diễn đàn lớn của tỉnh Đắk Nông, thu hút cả chục ngàn người theo dõi, một số chủ vườn phản ánh tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho biết, để có đủ người hái, chủ vườn phải đáp ứng nhiều yêu cầu của người làm thuê.

"Chưa bao giờ, chủ vườn phải "cầu cạnh" người làm công như hiện nay", một người dùng mạng xã hội bình luận.

Trả giá nửa triệu mỗi ngày vẫn thiếu người thu hoạch vàng đen - 3

Nhiều chủ vườn chấp nhận trả công cao để "thu hút" nhân công đến thu hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Nghiệp, một chủ vườn tiêu tại xã Nam Nung, huyện Krông Nô cho hay: "Mọi năm chỉ khoán theo ngày, bây giờ nhân công chỉ nhận hái khoán theo sản lượng nên mỗi ngày chúng tôi chi phí gần 5 triệu đồng cho tiền công thu hái. Đầu tuần vừa rồi, tôi còn phải thuê xe sang tận Đắk Lắk đón họ xuống làm việc chứ họ nói, họ không tự xuống".

Thậm chí, cạnh vườn của ông Nghiệp, do tiêu đã chín rộ, giá hồ tiêu đang ở mức cao nên ông Hoàng Văn Lĩnh phải chấp nhận khoán 4.500 đồng/kg tươi và phục vụ cơm trưa cho người hái khoán. Tính trung bình, một tấn tiêu khô bán được, ông phải bỏ ra 2/3 chi phí đầu tư, thuê hái và phơi sấy.

Thu hoạch hồ tiêu- Đắk Nông- 2022- ỉnternet-1.jpg

Nhiều chủ vườn phản ánh tình trạng nhân công ra "yêu sách" trước khi nhận thu hái khoán.

Theo nhiều bà con nông dân, tình trạng thiếu nhân công lao động có thể kéo dài đến hết tháng Giêng âm lịch. Hiện hầu hết các vườn tiêu tại Đắk Song - vùng chuyên canh hồ tiêu lớn nhất Đắk Nông đều vắng hoe.

Dù các chủ vườn có diện tích lớn 5 - 10 ha luôn có sự chuẩn bị trước nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu nhân công. Còn các hộ có diện tích nhỏ thì thời điểm này phải chờ lao động tự do các nơi đến.

"Hồ tiêu năm nay gặp mưa nên thu hoạch sớm hơn mọi năm. Nhiều vườn tiêu đến nay đã chín rục. Nếu để thêm vài ngày, gặp mưa, gió lớn hồ tiêu sẽ rụng, bà con sẽ tốn thêm công thu gom và  tỷ lệ thất thoát khi đó tăng lên khá nhiều", một chủ vườn hồ tiêu tại xã Nâm N'Jang (huyện Đắk Song) cho hay.