TPHCM: Liên tục bị giảm lương, công nhân hết tiền gửi về quê nuôi con
(Dân trí) - Mỗi tháng công ty cho nghỉ từ 10 - 20 ngày khiến thu nhập của vợ chồng anh Nhanh bị giảm sút nghiêm trọng. Mấy tháng nay vợ chồng anh phó mặc việc nuôi con cho ba mẹ ở quê vì không có tiền gửi về.
Covid-19 khiến con xa cha mẹ
Xóm trọ nghèo trên đường Bình Chiểu (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) mấy tháng nay không khí buồn ảm đạm.
Từ đầu năm đến nay các phòng trọ đã không còn cảnh nhộn nhịp, giao lưu ăn uống như các năm trước. Hàng trăm công nhân ở đây đều ngao ngán, thở dài vì thường xuyên bị cho nghỉ việc do công ty không có đơn hàng.
Trong căn phòng trọ đơn sơ, vợ chồng anh Trần Hữu Nhanh (43 tuổi, quê Đồng Tháp) đang ngồi buồn bã vì nghe thông tin công ty sắp cho nghỉ việc.
Bao nhiêu nỗi lo lâu dồn lên vợ chồng người công nhân nghèo. Cuộc sống công nhân của hai vợ chồng anh Nhanh lúc nào cũng "thiếu trước hụt sau" nhưng chưa khi nào khó khăn như bây giờ.
“Đợt dịch này, nhà tôi túng thiếu lắm. Giờ nợ tùm lum vì phải vay mượn tiền sinh hoạt. Nguyên nhân do công ty cho nghỉ làm liên tục mà không hỗ trợ tiền lương. Đi làm ngày nào công ty tính tiền ngày đó, những ngày nghỉ không có lương. Tháng trước vừa nghỉ 20 ngày, nghe đâu công ty lại chuẩn bị cho nghỉ tiếp 1 tháng", anh Nhanh thở dài.
Anh Nhanh cho biết từ quê vào Sài Gòn mưu sinh đã gần 20 năm nay. Do không có bằng cấp, hai vợ chồng làm công hết nơi này nơi khác để kiếm tiền sinh hoạt. Hiện, anh chị đang cùng làm công nhân cho một công ty giày da ở quận Thủ Đức.
Khoảng 2 năm nay, vợ chồng anh Nhanh về đường Bình Chiểu thuê phòng trọ với giá 1,6 triệu đồng/tháng. Trước khi chưa có dịch, thu nhập của hai vợ chồng trên 10 triệu đồng/tháng nhưng từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
"Giảm thu nhập hơn một nửa, công nhân lại không có nguồn thu nhập nào khác nên đời sống rất khó khăn. Muốn đi làm thêm để tăng thu nhập nhưng giờ đi xin việc cũng rất khó. Do công ty cũng đang khó khăn nên mình cũng đành chấp nhận nhưng nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế này thì sống không nổi", anh Nhanh tâm sự.
Dịch bệnh kéo dài và chi phí cuộc sống còn đắt đỏ, anh chị đành gửi con gái 3 tuổi ở quê cho ông bà ngoại chăm sóc. Các năm trước, đều đặn mỗi tháng anh Nhanh gửi về quê cho cha mẹ 2 triệu đồng để mua sữa, quần áo, nhu yếu phẩm cho con gái. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay anh chị đành cắt bỏ luôn khoản tiền này vì thiếu tiền trầm trọng.
“Hồi trước cứ mỗi tháng tôi lại gửi 2 triệu về để ông bà có tiền nuôi cháu, nhưng mấy tháng gần đây tôi không gửi đồng nào về hết vì ở đây còn lo chưa nổi nói gì đến tiền gửi về quê cho cháu”, anh Nhanh buồn bã nói.
Trăn trở khi dịch bệnh kéo dài
Vợ chồng anh Nhanh đều chia sẻ rất nhớ con và mong muốn chăm sóc con tốt hơn nhưng hoàn cảnh lúc này là bất khả kháng. Nhiều lần gọi điện về quê nói chuyện với con, hai vợ chồng cứ khóc nức nở vì thương con. Ba mẹ anh Nhanh cũng hiểu cho con nên "thắt lưng buộc bụng" nuôi cháu bằng nguồn thu nhập ít ỏi khi đi làm đồng ruộng ở quê.
"Mong sao dịch bệnh sẽ mau chóng qua đi. Vợ chồng tôi có thể đi làm đều lại, từ đó mới có tiền gửi về nuôi con ở quê nhà. Cha mẹ nào thấy con khổ sở mà cầm được nước mắt. Mình lớn thế này mà còn làm khổ cha mẹ phải nuôi cháu dùm nên cũng khổ tâm lắm", anh Nhanh chia sẻ.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ anh Nhanh bị bệnh tiểu đường đã lâu, anh Nhanh cũng mới phát hiện bị bệnh huyết áp cao. Số tiền thu nhập đã ít nhưng tiền thuốc thang chữa bệnh của hai vợ chồng lại ngày một tăng lên.
"Nói chung tiền phòng trọ là 1,6 triệu/tháng rồi đó cộng thêm tiền thuốc men nữa là gần hết tiền lương của hai vợ chồng. Số tiền còn lại khoảng hơn 1 triệu hai vợ chồngtiết kiệm để ăn uống cho qua ngày", anh Nhanhthở dài.
Chia tay vợ chồng anh Nhanh khi mặt trời đã lặn. Xóm trọ nghèo dưới đèn mờ càng heo hút và buồn thảm hơn. Thấp thoáng ngoài cửa các phòng trọ là những gương mặt mặt buồn bã. Họ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nếu dịch bệnh còn kéo dài, không biết số phận của những con người này sẽ đi về đâu.