1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM: Lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi

(Dân trí) - Dù tay nghề không kém lao động nam nhưng nữ giới vẫn phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn, thời gian lao động dài hơn và hầu hết là làm những công việc mà nam giới không chịu làm.

TPHCM: Lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi
Lao động nữ thường thu nhập thấp hơn lao động nam dù họ làm công việc giống nhau (ảnh minh họa)

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho rằng: “Những năm qua, thị trường lao động TPHCM phát triển, có sự biến động, chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng vẫn tồn tại nhiều nghịch lý về cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực”. Nghịch lý sử dụng lao động nữ là một trong số đó.

Theo Falmi, trong những năm qua TPHCM đã thực hiện nhiều chính sách đối với lao động nữ, góp phần nâng cao đời sống, việc làm, tạo cơ hội cho chị em phấn đấu vươn lên, đóng góp cho xã hội. Trong 5 năm (2007-2011), TP đã giải quyết cho gần 1,4 triệu người, trong đó trên 55% là lao động nữ. Tính đến thời điểm này, TP có khoảng 5,3 triệu lao động và trong số đó, hơn 52% là lao động nữ.

Tuy nhiên, hầu hết lao động nữ lại đang làm việc trong các ngành cần nhiều lao động phổ thông và thu nhập thấp như: Công nghiệp dệt may, Giày da, Tiểu thủ công nghiệp… (chiếm tỷ lệ hơn 73%); Phần lớn còn lại làm trong các ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Theo khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ cho thấy trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống. Lao động nữ vẫn tập trung ở những ngành sử dụng chù yếu sức lao động và phần lớn làm việc trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao…”.

Ngoài ra, việc làm đối với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn càng khó khăn hơn. Theo Falmi thì đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, làm việc bấp bênh, thu nhập thấp, dễ mất việc làm…

Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên nhân chính của vấn nạn này là do xu hướng đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được quan tâm nhiều như trẻ em trai, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là một thiệt thòi lớn cho nguồn nhân lực chất lượng cao, cho sự phát triển của xã hội. Vì nếu trẻ em gái được đầu tư học tập tốt như trẻ em trai thì xã hội sẽ có thêm một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn.

Vì vậy, ông Trần Anh Tuấn đề xuất cần thực hiện tốt hơn việc dạy nghề, đào tạo kỹ năng cho lao động nữ để tăng hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập cho lực lượng này; chú trọng tăng cường cơ hội cho phụ nữ có được việc làm và thu nhập bền vững thông qua phát triển doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần phát triển hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động đối với lao động nữ, định hướng lao động nữ vào các ngành nghề phù hợp và xã hội có nhu cầu.

Đối tượng mà ông Tuấn đề nghị đặc biệt quan tâm là những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn và phụ nữ nhập cư. Bởi những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn rất dễ rơi vào hộ nghèo và khó tìm được công việc phù hợp do không có điều kiện học tập. Phụ nữ nhập cư càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận việc làm, họ chủ yếu làm các công việc tự do, thu nhập thấp và không ổn định.

Tùng Nguyên