TPHCM có quy chế phối hợp giải quyết đình công không hợp pháp
(Dân trí) - Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì thành lập Tổ công tác giải quyết bước đầu các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động xảy ra ở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý.
Liên đoàn Lao động TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo công đoàn các cấp trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động do UBND thành phố ban hành.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố, yêu cầu các đơn vị nghiên cứu triển khai, trong quá trình thực hiện vướng mắc hay bất cập gì thì phản ảnh lại để chỉnh sửa phù hợp.
Theo LĐLĐ TP, năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ lao động ngừng việc tập thể, giảm 5 vụ so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là do người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về lao động như không trả lương đúng hạn, không chi thưởng Tết theo thỏa thuận…
Trong năm 2023, đa số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trên đều xảy ra vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023 liên quan đến lương, thưởng Tết.
Trong đó, nổi bật là vụ việc cả trăm công nhân ngừng việc tập thể xảy ra vào ngày 12/1/2023 tại công ty TNHH Toyo Precision. Nguyên nhân là vì công ty thông báo chỉ thưởng Tết đồng mức 100.000 đồng cho những người làm việc chưa đủ 1 năm, mức thưởng cho công nhân lâu năm và mức tăng lương năm 2023 cũng rất thấp.
Theo thống kê của LĐLĐ TPHCM, Tết năm nay cũng có một số đơn vị thưởng thấp nhất ở mức 400.000-500.000 đồng/người. Thậm chí, có 5 doanh nghiệp với hơn 200 lao động dự kiến sẽ không có thưởng Tết.
LĐLĐ TPHCM đánh giá, tư tưởng của công nhân lao động hiện nay cơ bản ổn định và đang rất phấn khởi khi Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận, chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 ở mức 6%.
Tuy nhiên, hiện nay công nhân lao động đang rất mong chờ việc thưởng Tết của doanh nghiệp. Do đó, LĐLĐ TPHCM tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khi có tình huống phát sinh.
Từ 10/1, quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn TPHCM chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo quy chế này, Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì thành lập Tổ công tác giải quyết bước đầu các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động xảy ra ở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý.
Tổ công tác bao gồm đại diện UBND quận, huyện, TP Thủ Đức làm tổ trưởng. Các thành viên bao gồm Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội quận, huyện; Chủ tịch LĐLĐ quận, huyện; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận, huyện; Trưởng công an quận, huyện…
Căn cứ vào tính chất và quy mô của cuộc đình công, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện có thể đề nghị các sở, ngành và đơn vị cấp thành phố tham gia Tổ công tác.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nắm được thông tin về dấu hiệu hoặc nguy cơ xảy ra đình công, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện chỉ đạo Tổ công tác trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện người lao động để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết.