1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM cần thêm 73.000 lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Dự báo trong quý 2/2023, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cần thêm 73.000 lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Ngày 8/4, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho biết, trong quý 2/2023, thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ. Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Về nhu cầu nhân lực, Falmi dự báo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần khoảng 67.000 - 73.000 chỗ làm việc trong quý 2/2023. Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu là từ 14.000-15.000 chỗ làm việc (chiếm hơn 21%). Nhu cầu nhân lực của 9 ngành dịch vụ chủ yếu là 39.000-42.000 chỗ làm việc (chiếm hơn 58%).

TPHCM cần thêm 73.000 lao động - 1

Dự báo trong quý 2/2023, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cần thêm 73.000 lao động (Ảnh minh họa: Hải Long).

Về trình độ, nhu cầu nhân lực là lao động qua đào tạo chiếm gần 87% tổng nhu cầu nhân lực; trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm hơn 20%, cao đẳng chiếm gần 19%, trung cấp chiếm hơn 27%; sơ cấp chiếm hơn 20%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ 13% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, nhìn chung thị trường lao động TPHCM trong quý 1/2023 có nhiều biến động sau thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán. Cùng với việc một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may - giày da, chế biến gỗ, bất động sản, xây dựng… gặp khó khăn, bị giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng giảm giờ làm việc, không tăng ca, người lao động giảm thu nhập.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác như: du lịch, nhà hàng - khách sạn, vận tải - kho bãi... có nhiều tín hiệu tích cực. Các lĩnh vực như công nghệ ô tô và công nghiệp phụ trợ, sản xuất lương thực - thực phẩm... cũng nỗ lực cải tiến sản phẩm, đem lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường.

Điều này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển, phục hồi kinh tế. Từ đó, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên vừa tốt nghiệp và người lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm, góp phần ổn định thị trường lao động trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu nhận định, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng thị trường lao động TPHCM sẽ sớm bứt phá để ổn định trở lại.