TPHCM cần 70.000 lao động trong quý II/2013
(Dân trí) - Căn cứ thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) dự báo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý II/2013 là khoảng 70.000 chỗ làm.
Cụ thể, trong tháng 4 cần 20.000 lao động, tháng 5 cũng cần 20.000 lao động, tháng 6 cần 30.000 lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 30%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 35%, trình độ trung cấp chiếm 20%, lao động có trình độ cao đẳng đại học trở lên chỉ cần khoảng 15%.
Nhận định chung thị trường lao động quý II/2013, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho rằng: “Thị trường sẽ tiếp tục ổn định và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đào tạo và sử dụng lao động. Dự kiến mức độ dịch chuyển lao động có thể tăng hơn so vói quý I/2013 và ở mức 15%”.
Thông thường sau Tết là giai đoạn thị trường lao động TPHCM rối loạn nhất do quá trình dịch chuyển chỗ làm của người lao động, hoặc do nhiều lao động ngoại tỉnh về quê ăn Tết nhưng không vào thành phố làm nữa khiến các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để bắt đầu 1 năm sản xuất mới.
Tuy nhiên, theo thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh thì nguồn cung lao động tại TPHCM trong quý I/2013 lại đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, tỷ lệ dịch chuyển thấp và thị trường ổn định.
Ông Tuấn cho biết: “Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động phổ thông có diễn ra, tuy nhiên sự thiếu hụt chỉ diễn ra ở mức cục bộ. Tỷ lệ thiếu hụt lao động phổ thông giảm 68% so với quý I/2012”.
Trong quý I/2013, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp TPHCM tăng 1,4% so với quý IV/2012. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung các nhóm ngành Dịch vụ phục vụ (hơn 18%), Nhân viên kinh doanh – Bán hàng (21,5%)… Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo giảm 12% so với quý IV/2012, tập trung ở nhóm ngành Dịch vụ phục vụ, Dệt may -Giày da, Bán hàng….
Ông Tuấn cũng thừa nhận là thị trường lao động TPHCM vẫn còn tồn tại nghịch lý cung cầu do chất lượng và đào tạo nhân lực phân bố chưa đồng đều giữa các nhóm ngành và cơ cấu trình độ lao động. Cụ thể, nhu cầu về lao động có nghề kỹ thuật và bậc học trung cấp, công nhân kỹ thuật luôn cao hơn nguồn cung; trong khi lao động trình độ cao cung nhiều nhưng cầu lại ít. Mặt khác, một số ngành như Kế toán – Kiểm toán, Quản lý điều hành có nhiều lao động tìm việc nhưng doanh nghiệp vẫn than thiếu người làm được việc do chất lượng nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.
Cũng theo ông Tuấn thì trong quý II/2013 các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao chất lượng chuyên môn nên có thể nhiều lao động sẽ mất việc làm, thất nghiệp. Lúc đó, lực lượng lao động này cần tái đào tạo, đào tạo bổ sung cho công việc làm mới.
Do vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay của nguồn lao động là phải trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Ông Tuấn cho rằng: “Nếu người lao động giỏi nghề, am hiểu nhiều kỹ năng và ngoại ngữ sẽ rất thuận lợi trong việc tìm được chỗ làm thích hợp và ổn định”.
Tùng Nguyên