1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tới năm 2020: 50 % người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH?

(Dân trí) - “Chậm nhất tới tháng 1/2018, Bộ LĐ-TB&XH cần xây dựng Đề cương trình Chính phủ về cải cách tiền lương và bảo hiểm, gồm việc đổi mới về chính sách bảo hiểm xã hội, mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo cách tiếp cận chính sách BHXH đơn giản và hiệu quả, đảm bảo công bằng …”.


Buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH và BHXH VN

Buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH và BHXH VN

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội VN về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) thời gian qua. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội VN tổ chức chiều 6/9 tại Hà Nội.

Trên 24 % người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH của Bảo hiểm xã hội VN thời gian qua. Nhiều kết quả nổi bật thể hiện trong những mục tiêu hàng đầu của ngành như: Cải cách và giảm thiểu các thủ tục hành chính, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về BHXH, BHYT...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn bày tỏ quan ngại về những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 21-NQ/TW, cụ thể: Tới năm 2020, cả nước phải có 50 % số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Trong khi đó, đến hết năm 2016, mục tiêu trên mới đạt được hơn 24 %.

“Chúng ta cần làm rõ những nguyên nhân khiến mục tiêu trên vẫn chưa có tiến triển? Tại sao việc triển khai chính sách BHYT đạt được kết quả với hơn 84% dân số nhưng chính sách BHXH vẫn chỉ hơn 24%? thực trạng nợ BHXH, tồn tại phát sinh trong triển khai thực hiện chính sách BHXH?...”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần làm rõ những khó khăn, tồn tại trong triển khai chính sách BHXH

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần làm rõ những khó khăn, tồn tại trong triển khai chính sách BHXH

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Đề cương chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị BHXH VN cùng các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH (Vụ BHXH, Vụ Pháp chế) đánh giá có hệ thống và chọn lọc toàn bộ quá trình thực hiện chính sách BHXH giai đoạn từ năm 1995-2017 và định hướng xây dựng lộ trình đến năm 2030.

“Cần hệ thống hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHXH, nêu bật được những vấn đề cốt lõi trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện chính sách BHXH, tìm ra những điểm chưa phù hợp, rà roát phát hiện những điểm chưa đúng, vướng mắc ở đâu. Bên cạnh đó, các bên cần tìm hiểu kinh nghiệm ưu việt của các nước khác trong lĩnh vực BHXH…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tại buổi làm việc, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết: Đến hết 31/8, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,2 triệu người, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 78,39 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 84,2% dân số. Thống kê của BHXH VN, số nợ ước đến ngày 31/8 là 16.156 tỉ đồng, bằng 5,7% so với số phải thu, tăng 904 tỷ đồng (5,92%) so với thời điểm 31/7/2017.

“Tính đến 30/8, cả nước đã bàn giao được hơn 4,4 triệu sổ BHXH cho người lao động trên tổng số 13,1 triệu sổ BHXH phải bàn giao (không bao gồm khối lực lượng vũ trang), đạt khoảng 34%” - ông Trần Đình Liệu cho biết.

Không dễ thực hiện mục tiêu

Nhận định về tình trạng chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH, ông Trần Đình Liệu chia sẻ những khó khăn: “Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại các địa phương còn khá phổ biến. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ”.

Vị Phó Tổng giám đốc BHXH VN khẳng định, điều này là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH và BHTN ở con số 50 % lực lượng lao động theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, BHXH VN cũng thừa nhận tình trạng trục lợi quỹ BHXH còn khá phổ biến. Do người hưởng trợ cấp khai báo không trung thực về tình trạng việc làm. Việc phát hiện và thông báo sang tới ngành lao động và chờ giải quyết chưa nhanh khiến tác dụng ngăn ngừa chưa nhiều.

“Nhiều vướng mắc trong việc giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động có thời gian công tác trước năm 1995; cán bộ xã phường, thị trấn có thời gian công tác trước năm 1998; chủ nhiệm hợp tác xã theo quy định tại Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 29/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ và một số nội dung khác liên quan đến việc xác định thời gian độ tuổi, thời gian hưởng” - ông Trần Đình Liệu nói.

Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Đình Liệu đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm hoàn thiện và trình Chính phủ một số Nghi định, như: Nghị định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và đảm bảo quyền lợi của người lao động; Nghị định quy định chi tiết Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện...

Từ năm 2018, công tác thu BHXH sẽ gặp nhiều khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, nhận định: Với tư cách là đơn vị triển khai chính sách BHXH, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp thu và phát hiện nhiều thực tế cần sửa đổi và kiến nghị trong việc xây dựng Đề án cải cách tiền lương, đổi mới chính sách BHXH tới đây.

Đặc biệt, mục tiêu đạt 50 % số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đang là một thách thức rất lớn của ngành BHXH.

Người đứng đầu ngành BHXH cũng thừa nhận nhiều khó khăn trong triển khai như: Nhận thức của người tham gia BHXH chưa cao; mức sống và tiền lương của người lao động còn thấp, ảnh hưởng phần nào tới việc tham gia BHXH; đại lý thu BHXH còn chưa am hiểu chính sách của ngành.

“Trong khi đó, từ đầu năm 2018 sẽ có những điều chỉnh về đối tượng tham gia BHXH theo hướng mở rộng. Điều này sẽ có nhiều thách thức trong công tác thu BHXH, đòi hỏi ngành sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm theo dõi thông tin BHXH, mã định danh cho người tham gia BHXH, BHYT trong thời gian sớm nhất” - bà Nguyễn Thị Minh nói.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 13,23 triệu người.

Đây là số liệu do BHXH VN cung cấp tới đầu tháng 9/2017. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,39 triệu người; BHXH tự nguyện là 243 nghìn người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 79,08 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 84,9% dân số. Cũng trong tháng 8/2017, hệ thống cơ quan BHXH các tỉnh, thành đã giải quyết cho 7,16 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 1,08 triệu lượt người (17,8%) so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, 98.672 người hưởng BHXH hàng tháng, 536.864 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 6,52 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Cũng trong tháng 8, BHXH VN cũng đã tham gia đóng góp ý kiến nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các bộ, ngành gửi đến, trong đó các văn bản liên quan trực tiếp đến chính sách BHXH, BHYT như: dự thảo Chỉ thị về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; dự thảo Thông tư hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; dự thảo Tờ trình và Nghị định quy định mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đ.N

Thời gian và mức hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động

Bà Lê Xuân Hoa ở Bình Định hỏi: Thời gian và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo phương án được phê duyệt và không quá 06 tháng.

Mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

- Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

N.T

Thủ tục chuyển trợ cấp thất nghiếp sang tỉnh khác ra sao?

Bà Nguyễn Thu Hà ở Hưng Yên hỏi: Hai tháng qua, tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Bình Dương. Dự kiến sang 1/2018, tôi sẽ về quê nhà tại Hưng Yên sinh sống. Vây xin hỏi trình tự, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trình tự, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

- Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ­ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động; Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có); Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Khi nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị định này, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đi gửi thông báo về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến trừ trường hợp theo quy định tại Khoản 6 Điều 22 Nghị định này. Kể từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện các quyền và trách nhiệm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật…

P.L