Tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng: Các doanh nghiệp nợ BHXH hơn 425 tỉ đồng
Các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng nợ các loại bảo hiểm đối với người lao động ngày càng tăng cả về số lượng và số tiền. Tuy nhiên, các địa phương đang lúng túng về cách xử lý.
Bởi theo luật là khởi kiện ra tòa và đã có “án lệ” nhưng thực tế lại không dễ để kiện.
Các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng nợ các loại bảo hiểm đối với người lao động ngày càng tăng cả về số lượng và số tiền.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang lúng túng về cách xử lý bởi theo luật là khởi kiện ra tòa và đã có “án lệ” nhưng thực tế lại không dễ để kiện.
Nợ năm sau cao hơn năm trước
Tại hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Vũ Duy Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng - cho biết, tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, có đến 1.948 doanh nghiệp nợ bảo hiểm người lao động (NLĐ) với số tiền trên 171 tỉ đồng.
Đặc biệt, ở một số doanh nghiệp, vẫn có tình trạng NLĐ phải làm việc trong điều kiện môi trường ô nhiễm, không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, không đảm bảo cho sức khỏe của NLĐ hiện tại và lâu dài.
Mức ăn ca của NLĐ tại một số đơn vị chưa cao, chất lượng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong bữa ăn của công nhân chưa đảm bảo.
Tại Quảng Nam, theo BHXH tỉnh này, số đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN... của NLĐ từ 6 tháng trở lên trong toàn tỉnh hiện có 294 đơn vị, phần lớn là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Nam - cho hay, trong năm 2019, các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam trốn đóng, chiếm dụng, nợ các loại BHXH, BHYT, BHTN... tăng hơn 3,4 tỉ đồng so với năm 2018.
Có những doanh nghiệp (DN) được xếp vào diện nợ trây ỳ, nhưng cơ quan BHXH cũng không biết có khả năng thu được nợ hay không.
Việc đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ kéo dài dẫn đến các chế độ, chính sách cho NLĐ như thai sản, ốm đau, nghỉ việc... chưa giải quyết kịp thời. Đơn cử như Công ty TNHH May Minh Hoàng II (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) nợ BHXH số tiền hơn 10 tỉ đồng, trong thời gian 20 tháng khiến ảnh hưởng quyền lợi của 532 NLĐ đang làm việc ở đây. Hậu quả, nhiều NLĐ khi nghỉ ốm đau, thai sản không được giải quyết chế độ.
NLĐ nào lên tiếng, công ty mới có văn bản xin cơ quan BHXH đóng phần tiền nợ của riêng người đó, để họ được giải quyết chế độ.
Từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này có văn bản đề nghị và đóng số tiền nợ cho những NLĐ cần được giải quyết chế độ ngắn hạn, nên cơ quan BHXH tỉnh tạm thời giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho 322 lượt NLĐ.
Công đoàn hỗ trợ người lao động
Trong năm 2019, phức tạp nhưng thành công nhất trong công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã cử 2 cán bộ hỗ trợ 196 NLĐ của Công ty TNHH MTV T.B.O Vina (100% vốn Hàn Quốc) hoàn thiện hồ sơ khởi kiện và nhận ủy quyền của NLĐ để tham gia tố tụng tại tòa án.
Tòa đã buộc công ty này phải chi trả cho NLĐ số tiền 5,1 tỉ đồng (gồm 1,4 tỉ đồng tiền lương và 3,7 tỉ đồng tiền BHXH cộng với lãi suất).
Tại Quảng Nam, cũng trong năm 2019, LĐLĐ Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã đại diện cho 2 NLĐ khởi kiện Cty TNHH May thời trang Việt Hương về trích đóng BHXH từ công ty và từ tiền lương, tiền công tháng của NLĐ. Kết quả, Công ty Việt Hương thua kiện và bồi thường gần 32 triệu đồng cho NLĐ.
Tiếp đó, LĐLĐ huyện Quế Sơn (Quảng Nam) hướng dẫn 5 NLĐ nộp đơn lên Tòa án huyện kiện Cty TNHH Hiếu Bảo về nợ BHXH. Sau khi làm việc với tòa án, Công ty Hiếu Bảo đã đồng ý bồi thường 190 triệu đồng cho NLĐ.
Sở dĩ Quảng Nam, Đà Nẵng có rất nhiều doanh nghiệp nợ NLĐ các loại bảo hiểm, nhưng trong năm 2019 mới chỉ có 3 doanh nghiệp bị kiện ra tòa như đã nói là vì luật còn có nhiều kẽ hở. Theo ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Nam - khó nhất trong khởi kiện doanh nghiệp liên quan đến vấn đề nợ bảo hiểm là không thể thực hiện được thủ tục như quy định.
Bởi Công đoàn muốn khởi kiện, doanh nghiệp đó ít nhất phải có 2 biên bản xử phạt hành chính của đoàn thanh tra liên ngành. Nhưng trong thực tế, doanh nghiệp có nợ BHXH chủ yếu cũng chỉ bị nhắc nhở, chứ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì chưa có.
Ngoài ra, trên thực tế, nhiều NLĐ ngại kiện, sợ bị đuổi việc... Đây là những kẽ hở khiến việc xử lý những trường hợp nợ trây ỳ hoặc trốn đóng BHXH gặp nhiều khó khăn, cần sớm được cơ quan chức năng tháo gỡ.
Liên quan đến vụ thắng kiện ở Đà Nẵng, ông Trần Vũ Duy Mẫn cho rằng, phán quyết của Tòa án có tác dụng củng cố niềm tin của NLĐ vào tổ chức Công đoàn, tạo sự tự tin cho cán bộ Công đoàn và rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đoàn viên, NLĐ.
Theo Hoàng Văn Minh/Lao động