1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tỉnh nghèo miền núi giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái đã giải quyết việc làm cho 20.563 lao động. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái giảm bình quân 7,66%.

Đây cũng là hiệu quả thiết thực từ thực hiện Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, tính riêng trong tháng 10/2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.581 lao động. Trong đó, từ phát triển kinh tế - xã hội 10.469 lao động; vay vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm 1.999 lao động; xuất khẩu lao động 336 lao động; cung ứng lao động ngoài tỉnh 7.759 lao động; tuyển mới và đào tạo nghề cho 18.038 người.

Tỉnh nghèo miền núi giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động - 1

Người lao động thuộc dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tạo cơ hội làm việc từ Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca (Ảnh: Hồng Duyên).

Trong thời gian qua, tỉnh đã làm tốt công tác rà soát, thu thập thông tin thị trường lao động; tăng cường giới thiệu việc làm, đẩy mạnh đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn,…

Gần đây nhất, tỉnh Yên Bái cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức Ngày hội việc làm năm 2023 kết nối doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động. Sự kiện này đã thu hút gần 100 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm; 3.500 người lao động và học sinh, sinh viên tham gia.

Được biết, nhằm triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái đã chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện.

Nhiều địa phương đã và đang triển khai mô hình đào tạo tập trung, ngắn hạn, tại cơ sở sản xuất kinh doanh, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương,... với các trình độ từ sơ cấp đến đại học nhằm kịp thời cung ứng đủ nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu đa dạng ngành nghề đào tạo.

Qua đó, tỉnh đã ghi nhận nhiều bước chuyển rõ rệt. Cụ thể, Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) là địa phương vùng cao đặc biệt khó khăn với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 88%, trong đó hơn 30% là đồng bào dân tộc Mông.

Tính đến hết tháng 9, toàn xã đã giảm 62 hộ nghèo, bằng 5,37%. Ước tính hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,16%, hộ cận nghèo còn 10,46%. 

Theo đại diện UBND xã Hồng Ca, chính quyền địa phương đã chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đưa những cây trồng chủ lực vào thâm canh gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. 

Thực tế, tỉnh đã ghi nhận một số hộ dân có thể kiếm từ 200 triệu đồng cho đến 800 triệu đồng/năm.