Tính lương ngày Tết, 3.000 công nhân đình công, mức tính BHYT mới từ 1/12

(Dân trí) - Việc tính lương đi làm ngày Tết, diễn biến vụ 3.000 công nhân đình công ở Thanh Hoá, xử cựu đại uý “chạy việc”, thu hơn 300 tỉ đồng nợ BHXH tại Hà Nội, quy định đối tượng và mức thu BHYT mới từ 1/12/2018,…là những thông tin “nóng” trong lĩnh vực lao động việc làm tuần qua.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Căn cứ tính lương cho lao động trong ngày Tết, nghỉ lễ

Bà Nguyễn Thị Huế (Hà Nam) hỏi: Trường hợp thanh toán lương ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép, nghỉ việc riêng có hưởng lương có được cộng tiền phụ cấp trách nhiệm công việc hoặc phụ cấp cán bộ công đoàn vào để tính lương những ngày nghỉ đó không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Huế hỏi như sau:

Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định: Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, Tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1, Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương. (xem thêm).

Vụ 3.000 công nhân đình công: Hơn 1000 công nhân quay lại làm việc

Liên quan đến việc hơn 3.000 công nhân của Công ty TNHH Ivory Việt Nam (Hậu Lộc, Thanh Hoá) đình công đòi quyền lợi, đã có hơn 1.000 công nhân quay trở lại làm việc. Sau gần một tuần, vẫn còn khoảng 2.000 công nhân đình công.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc, đã trực tiếp đối thoại với các công nhân đang đình công để lắng nghe, ghi nhận ý kiến và đề xuất phía công ty giải quyết.

Tại buổi đối thoại, các công nhân cho rằng, thời gian gần đây công ty thường xuyên ép tăng ca, trong khi đó, các phụ cấp khác như tiền xăng xe, tiền ăn trưa, tiền thưởng… đang ở mức thấp, không đủ chí phí sinh hoạt hàng ngày khiến đời sống công nhân gặp khó khăn. (chi tiết).

Hà Nội: Thu 315 tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc BHXH Hà Nội: “Tới thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao trong việc bao phủ bảo hiểm y tế với tỉ lệ đạt 85,3 %, vượt 0,3 %. Thành phố cũng kiểm tra đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội tại 3.673 doanh nghiệp, thu hồi số tiền nợ là 315, tỷ đồng”.

Liên ngành BHXH, LĐ-TB&XH, Công an, thuế, thanh tra và công đoàn Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành và triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở sự phối kết hợp liên ngành, các đơn vị đã triển khai nhiều nỗ lực để giảm số nợ BHXH trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nợ BHXH tại 3.673 doanh nghiệp, thu hồi số tiền nợ BHXH là 315, tỷ đồng. (cụ thể).

Đầu năm 2020: Hàng chục triệu người sẽ dùng thẻ bảo hiểm y tế điện tử

"Chậm nhất tới ngày 01/01/2020, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện phát thẻ bảo hiểm xã hội điện tử tới người tham gia bảo hiểm y tế..." - đây là một nội dung của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định 146/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018.

Theo Bảo hiểm xã hội VN, tới ngày 1/10/2018, cả nước hiện có 82,3 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó cấp thẻ BHYT theo mã số bảo hiểm xã hội là 78,65 triệu người, đạt tỷ lệ 99% tổng số người tham gia đã có mã số bảo hiểm xã hội.

Việc thay thế thẻ BHYT từ chất liệu giấy sang thẻ điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi thực hiện giao dịch đăng ký đóng, hưởng chế độ BHYT. Đồng thời giúp cơ quan BHXH dễ dàng quản lý công tác khám chữa bệnh BHYT. (chi tiết)

6 người sụp bẫy cựu đại úy khi xin "chạy" vào ngành công an

TAND TP Cần Thơ vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Hoàng Huy (38 tuổi; ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) 9 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 4 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Tổng hợp hình phạt là 13 năm tù.

Theo cáo trạng, năm 2005, Huy công tác tại Trung đội lái xe Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ. Đến tháng 8-2016, Huy chuyển công tác về Công an phường Trà An (quận Bình Thủy), cấp bậc đại úy. Năm 2017, Huy có quyết định của Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho xuất ngũ. (xem thêm).

Từ ngày 1/12: Quy định mới về đối tượng và mức đóng bảo hiểm y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Một trong những điểm mới của Nghị định là bổ sung thêm nhóm đối tượng và mức tham gia bảo hiểm y tế liên quan.

Theo đó, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thêm nhóm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), do người sử dụng lao động đóng, gồm: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; thân nhân của người làm công tác khác trong ngành cơ yếu.

Cụ thể: Cha mẹ đẻ, cha mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

Bên cạnh đó, Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng đã được quy định tại Điều 1, 2, 3, 4 và 6 của Nghị định mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHYT. (cụ thể).

Hoàng Mạnh tổng hợp