1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tín nhiệm hộ lý Việt, các bệnh viện lớn ở Nhật tìm mọi cách giữ chân

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Ứng viên hộ lý của Việt Nam có năng lực vượt trội so với đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác, được nhiều bệnh viện lớn ở Nhật Bản "săn đón".

Thông tin này được ông Takeshima Tenmi, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka khẳng định tại cuộc gặp Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan sáng 12/6. Cuộc làm việc diễn ra trước lễ ký hợp đồng cung ứng thực tập sinh kỹ năng nghề hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản giữa Trung tâm lao động ngoài nước và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka.

Tín nhiệm hộ lý Việt, các bệnh viện lớn ở Nhật tìm mọi cách giữ chân - 1

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp ông Takeshima Tenmi, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Ảnh: Tống Giáp).

Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka cho biết, nhu cầu nhân lực y tế của Nhật Bản rất cao, song việc tuyển chọn nhân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hộ lý người Việt. Hiện nay, chỉ có 13 thực tập sinh người Việt Nam đang làm việc trong các bệnh viện lớn trên địa bàn, trong khi nhu cầu thực tế cao hơn nhiều.

"13 thực tập sinh Việt Nam khóa 1 được các bệnh viện lớn ở Nhật đánh giá rất cao. 13 thực tập sinh này đã trải qua 2 năm thực tập, còn 1 năm nữa sẽ về nước, để lại nỗi lo lắng cho các nhà quản lý của chúng tôi bởi bệnh viện chưa tìm được người thay thế", ông Takeshima Tenmi nói. 

Theo ông, các bệnh viện lớn của Nhật đều tha thiết mời hộ lý Việt Nam quay trở lại làm việc lâu dài.

Tín nhiệm hộ lý Việt, các bệnh viện lớn ở Nhật tìm mọi cách giữ chân - 2

Ông Takeshima Tenmi, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Ảnh: Tống Giáp).

Đề cập một vấn đề khó khăn khác, Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka cho biết, qua khảo sát với 13 thực tập sinh khóa 1 này, có 12 người muốn về nước sau khi hết thời hạn hợp đồng và không muốn quay lại Nhật bởi các nhân viên này đều có con nhỏ, gia đình ở Việt Nam. Một số thực tập sinh khóa 2 sang Nhật được vài ba ngày đã khóc vì nhớ nhà, nhớ con.

"Chúng tôi luôn nỗ lực để tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả thực tập sinh, sẵn sàng hỗ trợ từng nhân sự trong mọi vấn đề, từ khó khăn về kinh tế, học tập đến sinh hoạt", ông Takeshima Tenmi nói.

Đại diện phía Nhật Bản cũng bày tỏ sự trân trọng, biết ơn Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam vì đã phái cử những thực tập sinh hộ lý ưu tú sang làm việc tại Nhật Bản.

Ông Takeshima Tenmi kỳ vọng việc ký kết hợp đồng cung ứng giữa Trung tâm lao động ngoài nước và Hiệp hội Chăm sóc Y tế Osaka về việc phái cử thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực y tế giữa hai nước và nâng cao số lượng ứng viên hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong những năm tới.

Tín nhiệm hộ lý Việt, các bệnh viện lớn ở Nhật tìm mọi cách giữ chân - 3

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cung ứng giữa Trung tâm lao động ngoài nước và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka về việc phái cử thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang Nhật (Ảnh: Tống Giáp).

Chứng kiến hoạt động ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, đây là cơ hội cho sinh viên, thực tập sinh hộ lý đã được đào tạo cơ bản tại Việt Nam được sang thực tập tại Nhật Bản với chi phí thấp. Người lao động có điều kiện nâng cao tay nghề, chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội được làm việc dài hạn tại Nhật Bản với mức thu nhập khá, ổn định.

Những thực tập sinh này sau khi hoàn thành chương trình về nước cũng sẽ tham gia, đóng góp nguồn nhân lực tốt cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ở trong nước.

"Chúng tôi sẽ nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản làm việc, phấn đấu 3 năm tới đưa khoảng 200 người sang Nhật. Đối với 13 thực tập sinh hộ lý sắp hết hợp đồng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạo điều kiện, nếu người lao động có nguyện vọng quay trở lại Nhật Bản làm việc", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan trao đổi.