1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tín dụng đen “bủa vây” công nhân: Tổng LĐLĐ VN cảnh báo hệ thống công đoàn

(Dân trí) - “Đã có nhiều công nhân lao động là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất rất cao, thành con nợ không có khả năng thanh toán, bị hăm dọa, đánh đập, thậm chí họ phải bỏ trốn đi nơi khác hoặc nghỉ việc về quê...”

Đây là cảnh báo của Tổng LĐLĐ VN gửi tới hệ thống công đoàn vào chiều 30/11, trước tình trạng lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, nạn cho vay nặng lãi - tín dụng đen đang hoành hành với những chiêu thức tinh vi thời gian vừa qua.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, Tổng LĐLĐ VN đề nghị các cấp công đoàn chủ động triển khai ngay trong quý 4/2018 việc nắm tình hình tín dụng đen trong công nhân lao động. Qua đó kịp thời thông tin tuyên truyền giúp công nhân lao động hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác.

Đặc biệt, các cấp công đoàn không được để tín dụng đen làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của công nhân lao động.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ VN lưu ý các cấp công đoàn cần tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp công đoàn cần tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn công nhân lao động sử dụng tài chính của bản thân có hiệu quả nhất. Đồng thời cần chủ động báo cáo với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp để có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn triệt để tệ nạn tín dụng đen.

Cảnh báo tín dụng đen “bủa vây” công nhân

Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10-11 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã nhận định tín dụng đen đang bủa vây công nhân và sinh viên, công khai thách thức chính quyền, gây bất an cho xã hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Lý giải việc người công nhân phải tham gia tín dụng đen, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nhiều công nhân gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay cần tiền về quê giải quyết việc riêng, nên họ vẫn buộc phải vay, dù biết rằng lãi suất rất cao "hầu hết là trên dưới 200%/năm".

"Lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn khó khăn nay lại càng khốn khó bởi nợ nần chồng chất. Nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ; nhiều trường hợp bị hăm dọa, đánh đập, bắt giữ. Có những gia đình tan nát vì tín dụng đen"- ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Hoàng Mạnh