1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An:

Hàng loạt cử nhân ngành y sập bẫy siêu lừa đang "nợ" án

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dù đang "nợ" án Lê Thị Tuyết (Nghệ An) vẫn câu kết với đồng bọn chiếm đoạt hàng tỷ đồng của 35 cử nhân ngành y với mong muốn nhờ "chạy việc" vào các bệnh viện.

Có con gái tốt nghiệp một trường chuyên ngành y nhưng chưa xin được việc làm, thông qua giới thiệu ông Nguyễn Xuân D. (trú TP Vinh, Nghệ An) gặp Trần Ngọc Tuyên (SN 1959, trú xã Nghi Kim, TP Vinh) đặt vấn đề.

Nghe Tuyên giới thiệu bản thân có quen với Giám đốc Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện. Qua đó, Tuyên có thể xin được việc cho con gái vào BV Sản Nhi Nghệ An, ông D. mừng như mở cờ trong bụng. Theo Tuyên, mức chi phí cho "suất" việc làm này là 155 triệu đồng.

Hàng loạt cử nhân ngành y sập bẫy siêu lừa đang nợ án - 1
Ông D. trình bày về việc bị nhóm lừa đảo chạy việc chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2017-2018, ông D. còn gom hồ sơ xin việc và tiền của 28 người có nhu cầu xin việc vào các bệnh viện đến "nhờ" Tuyên giúp. Tổng số tiền mà người đàn ông này đưa cho Tuyên là hơn 3,9 tỷ đồng.

"Khi đặt vấn đề, Tuyên nói lãnh đạo Sở Y tế là con cháu trong nhà, chỉ cần Tuyên nói 1 câu là giải quyết được việc nên tôi tin, đưa tiền nhờ giúp. Sau đó, nhiều người cũng có nhu cầu xin việc vào các bệnh viện như con tôi, tôi nghĩ đơn giản mình biết "cửa chạy" thì giúp thôi, ai ngờ bị lừa đảo. Tôi nhận của 27 người  số tiền gần 4 tỷ đồng, phải bán, cầm cố tài sản để trả lại cho họ", người đàn ông này chua chát nói.

Thực ra, Trần Ngọc Tuyên cũng chỉ là một mắt xích trong đường dây lừa đảo chạy việc do Lê Thị Tuyết (SN 1979, trú xã Nghi Kim, TP Vinh) cầm đầu.

Năm 2016, Lê Thị Tuyết đã bị tòa án tuyên phạt tổng cộng 6 năm tù cho hai tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, thời gian này, do đang nuôi con nhỏ nên Tuyết được hoãn thi hành án.

Trong thời gian chờ thi hành án, người phụ nữ này nghĩ ra kế hoạch lừa đảo những người có nhu cầu xin việc vào ngành y. Lê Thị Tuyết gặp Trần Ngọc Tuyên, vốn là một cán bộ hưu trí có uy tín để bàn bạc cách thức triển khai.

Hàng loạt cử nhân ngành y sập bẫy siêu lừa đang nợ án - 2

"Siêu lừa" Lê Thị Tuyết và "chân rết" Trần Ngọc Tuyên tại phiên tòa.

Theo phân công của Tuyết, Tuyên có nhiệm vụ "nổ" là người thân của lãnh đạo ngành y tế và các bệnh viện trong tỉnh, có khả năng xin việc và thu nhận hồ sơ, tiền. Tuyết hướng dẫn cụ thể mức chi phí cho từng vị trí việc làm tại các bệnh viện mà người lao động muốn xin vào, từ 155-300 triệu đồng/suất.

Để tránh cơ quan chức năng, Tuyết hướng dẫn Tuyên lập các giấy vay nợ khi nhận tiền "chạy" việc của các nạn nhân. Sau khi nhận tiền, hồ sơ, Tuyên phải bàn giao cho Tuyết để người phụ nữ này thực hiện công đoạn tiếp theo.

Một thời gian sau, Tuyết trực tiếp liên hệ với các nạn nhân cho họ xem trích ngang danh sách được tuyển dụng vào bệnh viện. Thế nhưng đợi mãi không thấy mình được gọi đi làm họ mới bắt đầu lờ mờ nhận ra mình đang là nạn nhân của một vụ lừa đảo chuyên nghiệp và tinh vi, kín kẽ.

Ông Phan Văn L. (trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) đóng cho Tuyết tổng cộng hơn 325 triệu đồng để xin việc cho người con trai. "Khi biết Tuyết lừa, chúng tôi nhiều lần tìm để đòi tiền nhưng không được. Khi Tuyết bị công an bắt (ngày 2/6/2020) vì bị nhiều người tố cáo tội lừa đảo chạy việc, người nhà của Tuyết còn lừa chúng tôi là cô ta đi vắng, rồi đi điều trị bệnh để trốn tránh việc trả lại tiền", ông L. kể.

Hàng loạt cử nhân ngành y sập bẫy siêu lừa đang nợ án - 3
Với thủ đoạn "nổ" thân quen lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện, cặp đôi Lê Thị Tuyết, Trần Ngọc Tuyên đã chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng từ 35 cử nhân ngành y có nhu cầu "đi tắt" trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Chị Nguyễn Thị T. (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng bị chiếm đoạt 600 triệu đồng đưa cho Tuyên và Tuyết để xin việc cho 2 người cháu. "Khi nhận hồ sơ và tiền đặt cọc, ông Tuyên yêu cầu tôi phải nộp bằng tốt nghiệp đại học gốc. Một thời gian sau, Tuyết liên hệ gặp, cho chúng tôi xem danh sách trúng tuyển nhưng cho biết phải ra Hà Nội mới lấy được quyết định, yêu cầu chúng tôi đóng thêm tiền.

Trong việc này, chúng tôi cũng có một phần lỗi. Vì nhẹ dạ, tin người, muốn "đi tắt" để rồi tiền mất, mất cơ hội để thi tuyển đường đường chính chính vào các bệnh viện do bằng gốc đã đưa cho Tuyên và Tuyết", chị T. nói.

Cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn gian dối trên, Lê Thị Tuyết và Trần Ngọc Tuyên đã chiếm đoạt số tiền gần 6 tỷ đồng để xin việc cho 35 cử nhân ngành y.

Xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ việc, trong phiên xử mới đây, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trần Ngọc Tuyên 12 năm tù; Lê Thị Tuyết bị tuyên phạt 20 năm tù, tổng hợp với 6 năm tù của 2 bản chưa thi hành, Tuyết phải chịu mức án 26 năm tù.