Tìm thuốc trị “bệnh” trốn của lao động xuất khẩu
Có nên sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, trong đó bổ sung hành vi buộc về nước đối với lao động xuất khẩu bỏ trốn, hay ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ ra nghị định giải quyết "căn bệnh" này, là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tranh luận rất gay gắt trong buổi thảo luận chiều 29/7.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện chỉ quy định hai hình thức xử lý là cảnh cáo và phạt tiền. Trước tình trạng lao động VN sau khi xuất khẩu bỏ trốn quá nhiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép ra nghị định, trong đó bổ sung hình thức "buộc về nước" đối với lao động xuất khẩu phá vỡ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nghị định này lại "vướng" về mặt pháp lý vì thẩm quyền ban hành hình thức xử phạt hành chính phải là Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ, chứ không phải Chính phủ.
Ủng hộ cho quan điểm nên sớm ra nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu đưa ra thực tế cùng một thị trường, lao động Trung Quốc trốn với tỷ lệ rất thấp, còn lao động Việt Nam trốn đến 40%. Ở Trung Quốc, lao động trốn bị buộc về nước và phải đi tù, hoặc gia đình hay người bảo lãnh phải chịu phạt thay. Còn Việt Nam do pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa quy định hình thức xử lý buộc về nước nên tỷ lệ trốn cao, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và thực tế Việt Nam đã, đang mất dần thị trường lao động.
Nhất định phải sửa pháp lệnh
Với lập luận sắc bén, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thẳng thắn bác bỏ quan điểm này. Ông An cho rằng việc quy định đại sứ quán, tổng lãnh sự quán ra quyết định buộc lao động bỏ trốn phải về nước là không khả thi, mà chỉ mang tính răn đe. Lao động trốn chủ yếu do chi phí đưa đi quá nhiều, trong khi thu nhập tại nước sở tại quá thấp. "Tôi cũng có người nhà đi xuất khẩu, các cháu kêu khóc vấn đề này nhiều lắm. Vì thế biện pháp sâu sa phải là tăng cường quản lý nhà nước", ông nói.
Mặt khác, theo ông An, đã là văn bản pháp luật thì phải chặt chẽ. Việc xử phạt vi phạm hành chính đã có hẳn Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Nếu thiếu hình thức "buộc về nước" thì phải sửa đổi pháp lệnh, chứ không thể đề nghị Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này, rồi Chính phủ ban hành nghị định. "Chúng ta không thể để song song tồn tại cả nghị quyết và pháp lệnh. Trong khi việc sửa pháp lệnh bây giờ rất nhanh, thủ tục đơn giản", Chủ tịch nhấn mạnh.
Đa số ủy viên Ủy ban thường trực Quốc hội đồng tình với Chủ tịch Quốc hội là phải làm đúng luật, tức là phải sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. "Nội dung sửa đổi đa số đã nhất trí rồi, chỉ còn hình thức văn bản thì Chính phủ cứ hoàn thiện, đến 25-26/8 trình Thường vụ thông qua. Pháp lệnh thi đua khen thưởng ta làm rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh nói.
Sẽ động đến mấy chục nghìn người VN ở nước ngoài
Bằng giọng điềm tĩnh vốn có, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển phân tích: nếu buộc sửa pháp lệnh thì vấn đề sẽ rất lớn bởi đã là pháp lệnh thì không thể chỉ áp dụng cho đối tượng lao động xuất khẩu, mà còn bao nhiêu người đi công tác, du lịch nước ngoài rồi ở lại. "Theo tôi, nên coi nghị định này là giải pháp tình thế, là đối sách để ta thương thảo với các nước bạn. Còn việc tăng cường quản lý nhà nước cũng như nhiều vấn đề khác sẽ được xem xét trong luật xuất khẩu lao động đang được xây dựng", ông Khiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão mặc dù rất bức xúc trước những bất cập trong xuất khẩu lao động, nhưng đã nêu ra một thực tế khiến nhiều đại biểu giật mình: "Hơn 10 năm qua, chúng ta đã phải đấu tranh với nhiều nước về vấn đề người Việt Nam ra nước ngoài rồi cư trú bất hợp pháp. Bây giờ nếu nâng thành pháp lệnh, tất yếu phải công bố rộng rãi, các nước sẽ vin vào đó mà trả người về".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng bổ sung: "Một số nước đang đề nghị trả lại hàng chục nghìn người Việt Nam cư trú bất hợp pháp". Vì thế, để không làm ảnh hưởng những người khác, ông Dũng cũng như Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng thiết tha đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc tới lợi ích quốc gia.
Thông tin ông Mão và ông Dũng đưa ra khiến nhiều đại biểu ủng hộ cho phương án sửa pháp lệnh trước đó băn khoăn. Cuối cùng Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra phương án và được Thường vụ nhất trí cao. Đó là không quy định "buộc về nước" là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà chỉ là để "tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài". Vì thế, thay vì ra nghị quyết, Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ cần ra thông báo kết luận, nhất trí để Chính phủ ra nghị định.
Theo Như Trang
Vnexpress