TPHCM:
Tiểu thương chợ Bến Thành gặp khó, chuyển nghề đi giúp việc, chạy xe ôm
(Dân trí) - Thu nhập giảm đến 90%, giá thuê mặt bằng cao khiến nhiều tiểu thương chợ Bến Thành phải đóng sạp hoặc cho thuê. Nhiều tiểu thương chấp nhận đi chạy xe ôm, giúp việc để mưu sinh.
Chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) là biểu tượng du lịch nổi tiếng của thành phố, ngôi chợ 106 năm tuổi này thu hút rất nhiều khách du lịch tham quan, mua sắm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đường bay quốc tế tạm đóng cửa khiến chợ Bến Thành vắng khách.
Ghé thăm chợ Bến Thành những ngày đầu năm mới, hàng loạt sạp đã đóng kín cửa, ngừng kinh doanh. Nhiều sạp dán bảng sang sạp hoặc cho thuê sạp, trái ngược với hình ảnh sầm uất kẻ mua người bán trước đó.
Bước vào chợ từ các cửa Đông, Tây, Nam, Bắc hay các cửa phụ khác đều khá thông thoáng. Thậm chí, có những lúc người mua hàng đứng ở cửa bên này có thể nhìn xuyên tới cửa đối diện.
Nguyên con đường giữa chợ không có được một khách hàng tham quan. Một vài tiểu thương còn trụ lại chợ vừa ngồi nói chuyện với nhau vừa lướt điện thoại để thư giãn.
Trao đổi với Dân Trí, chị Vũ là chủ của một sạp bán đồ lưu niệm cho biết, chị đã bán hàng trong chợ này đã gần 20 năm và có 2 sạp bán hàng trong chợ. Năm 2020, chị bị thiệt hại nặng nề về kinh tế vì vắng khách.
"Hiện giờ, 2/3 chợ đã đóng sạp hoặc dán bảng cho thuê còn tôi thì chỉ còn bán 1 sạp để cầm cự cho qua ngày. Doanh số bán hàng giảm hơn 70%, có nhiều thời điểm 5 ngày liên tục tôi không mở hàng vì bán buôn ế ẩm. Giờ tôi còn biết thắt chặt chi tiêu và chờ dịch qua đi để còn kinh doanh", chị Vũ tâm sự.
Ngoài việc buôn bán ế ẩm, chị Vũ phải chịu nhiều áp lực để duy trì việc buôn bán. Mỗi tháng chị Vũ phải chi 20 triệu đồng để duy trì sạp.
Do không có khách chị Vũ và gia đình phải làm thêm các công việc như: Chạy xe ôm, phụ việc nhà,… ai thuê gì làm đó để có thể có tiền trang trải sinh hoạt trong gia đình cũng như sạp ở chợ.
Trước đó, vào thời điểm giãn cách xã hội cuối tháng ba, đầu tháng 4/2020, để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch, chị Vũ cùng với nhiều tiểu thương khác đã chủ động đóng sạp, tạm dừng buôn bán.
Tuy vậy, đến nay tình hình buôn bán vẫn khá ế ẩm. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, việc kinh doanh sẽ khó khăn kéo dài.
Chị Vũ cũng tâm sự, nhiều tiểu thương đã chấp nhận phá sản, trả lại sạp vì không có tiền duy trì. Một số người cũng xin đi làm công nhân, một số đi làm các nghề tự do để lo cuộc sống gia đình. Những người đi vay tiền để thuê sạp thì sẽ lâm vào cảnh hết sức gian nan.
Chị Phạm Ngọc Giàu (sinh năm 1966) là tiểu thương sạp vải tâm sự, đã bán tại ngôi chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) hơn 20 năm nhưng đây là lần đầu chị thấy chợ này vắng khách như vậy.
"So với năm 2019, cửa tiệm của tôi đã bị giảm hơn 70% lợi nhuận. Nhưng đây là tình hình chung rồi thì tôi chỉ biết sống chung với lũ thôi, cố gắng cầm cự cửa hàng. Cửa hàng của tôi bán ở đây đã lâu nên may mắn có nhiều mối khách quen nên tôi cũng có tiền để đi chợ cho gia đình", chị Giàu chia sẻ.
Cũng như chị Vũ, chị Giàu cũng có 2 cửa hàng tại chợ nhưng đã đóng cửa một sạp để có thể giảm chi phí hàng tháng.
"Hiện tại, tôi và nhiều tiểu thương khác mong muốn là tình hình dịch sẽ giảm, khách hàng sẽ quay lại đi chợ như lúc đầu để tôi có thể tiếp tục công việc buôn bán của mình. Nếu như tình hình này cứ kéo dài trong tương lai thì có thể tôi sẽ trả sạp và làm một công việc khác, đợi khi nào dịch ổn hơn sẽ quay lại kinh doanh sau", chị Giàu tâm sự.