Nghệ An:
Tiểu đội dân quân thường trực nơi biên giới giúp dân phát triển kinh tế
(Dân trí) - Tương Dương là huyện miền núi rẻo cao, được xem là một trong những huyện có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của tỉnh Nghệ An.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nơi biên giới
Ý thức rõ điều đó, những năm qua, huyện Tương Dương đã chú trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biên giới vững mạnh gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đó mở ra điểm tựa cho người dân nơi đây hướng phát triển kinh tế an toàn, bền vững. Mô hình Tiểu đội dân quân thường trực xã Tam Hợp đã và đang là điểm tựa vững chắc cho người dân nơi miền biên giới này.
Cách đây ít năm, gia đình chị Lô Thị Thủy là một trong những hộ được biết đến là hộ biết chăn nuôi gia súc, gia cầm ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.
Nhưng với hình thức chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ lẻ thì cũng chỉ đủ cải thiện cho gia đình và đáp ứng phần nhỏ con giống cho bà con trong bản.
Năm 2017, gia đình chị mạnh dạn tham gia mô hình “Giúp dân phát triển kinh tế”, do Tiểu đội dân quân tự vệ thường trực- Ban CHQS xã trực tiếp chỉ đạo.
Tận dụng lợi thế về địa hình, cùng sự giúp đỡ của Tiểu đội trong các bước xây dựng gia trại tổng hợp, gia đình chị Thủy đã đầu tư, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan địa phương theo hướng hàng hóa.
Trải qua nhiều khó khăn, do chưa quen với hình thức chăn nuôi mới, nay đàn vật nuôi nhà chị đã phát triển tốt.
Chị Thủy chia sẻ: “Thời gian qua, gia đình tôi được sự quan tâm của Tiểu đội dân quân thường trực, gia đình tôi chủ yếu nuôi lợn đen, gà vịt, trâu, bò. Tiểu đội dân quân thường trực cũng tuyên truyền cho gia đình vệ sinh môi trường, chuồng trại phun khử trùng. Đặc biệt là tận tay hướng dẫn gia đình về kỹ thuật chăn nuôi. Hiện nay vật nuôi của gia đình đã ổn định, đem về thu nhập cho gia đình”.
Cũng giống như gia đình chị Thủy, nhiều hộ dân ở 5 bản của xã Tam Hợp tham gia học tập mô hình phát triển kinh tế do Tiểu đội dân quân thường trực - Ban CHQS xã, thường xuyên được các chiến sĩ trong Tiểu đội xuống tận nơi cùng bàn, cùng làm.
Do là địa bàn biên giới, trong khi người dân nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số: Thái, Tày Poọng và Mông, trình độ dân trí không đồng đều. Theo đó, người dân vẫn quen với tập quán chăn nuôi, canh tác cũ, điều đó đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi ý thức, trong thay đổi hình thức sản xuất, chăn nuôi của người dân.
Bám bản, bám dân cùng làm với dân
Xác định được khó khăn đó, Tiểu đội đã phân công từng người phụ trách từng bản, bám dân để cùng làm với nhân dân. Với sự kiên trì, tận tâm, không quản ngại khó khăn của các thành viên, đã từng bước tạo được niềm tin, thay đổi ý thức và đặc biệt đang mở ra được hướng đi mới cho người dân.
Ông Kha Văn Vượng - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tam Hợp, huyện Tương Dương - cho biết: “Chúng tôi gắn vào trách nhiệm, phát triển các mô hình và nhân rộng trong Tiểu đội hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế.
Chúng tôi đi đến từng hộ gia đình để khảo sát đất, sau đó tư vấn trồng cây gì và nuôi con gì và cách làm chuồng trại như thế nào, quy hoạch làm sao để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Trên cơ sở lấy dân làm gốc, dưới sự chỉ đạo của Ban CHQS huyện, Đảng bộ, chính quyền xã Tam Hợp, những năm qua, Tiểu đội đã không chỉ thực hiện tốt vai trò tạo thế trận Quốc phòng toàn dân, mà còn tạo điểm tựa vững chắc trong công tác phát triển kinh tế địa phương.
Dựa vào tình hình thực tế của đơn vị, chỉ với hơn 5ha diện tích được giao, Tiểu đội dân quân thường trực đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp VACR (vườn, ao chuồng và rừng). Trong đó phân bố khai hoang, sản xuất các giống phù hợp như: sắn cao sản, ngô lai, khoanh nuôi và duy trì hàng trăm con bò, lợn, gia cầm, thủy cầm theo hướng hàng hóa.
Khi mô hình phát triển, Tiểu đội đã triển khai công tác dân vận, bằng cách: Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể mở hội thảo đầu bờ, mời các hộ cùng tham quan, học tập. Thấy được cái hay trong cách làm mới, dần dần người dân tin tưởng và làm theo. Đến nay toàn xã có gần 40 hộ thực hiện mô hình gia trại, thu nhập từ 30 - 150 triệu đồng/năm.
Anh Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết thêm: “Chúng tôi đã xác định phải xây dựng bằng được mô hình kinh tế của chi bộ cũng như của Tiểu đội dân quân thường trực của xã. Chúng tôi quan tâm, ủng hộ tất cả các chủ trương, từ tinh thần cũng như vật chất đối với bà con dân bản trong việc phát triển kinh tế tại địa phương.
Do đó, bước đầu đã xây dựng được mô hình lợn, ngan, vịt, gà, trồng rau, ngô, sắn các loại; cây ăn quả như mít, nhãn, vải, bước đầu đã tăng thu nhập cho Tiểu đội, cũng như hướng dẫn được cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ khó khăn trong kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt trong địa bàn xã...”.
Với những việc làm thiết thực đó của Tiểu đội dân quân thường trực - Ban CHQS xã Tam Hợp đã khẳng định được, dân quân thời nay, vừa năng động, vừa ý chí.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn xứng đáng là “lực lượng của toàn dân tộc” như Bác Hồ kính yêu đã nói. Đồng thời thành công ban đầu này của Tiểu đội cũng đã và đang góp phần lớn vào việc xây dựng khu vực phòng thủ, gìn giữ an ninh chính trị địa bàn, đặc biệt góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững, nơi miền biên viễn xa xôi này.