Nghệ An:

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon

Nguyễn Duy Huyền Lục

(Dân trí) - Cùng với các địa phương khác trong tỉnh Nghệ An, thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây hạn hán đã làm cho mảnh đất này đồi núi, ruộng đồng khô cháy.

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 1

Xã đã vận dụng cách làm sáng tạo khi phối hợp với Đồn Biên Phòng đóng quân trên địa bàn và những hộ dân đã thành công trong phát triển nông nghiệp để hướng dẫn cho bà con cùng làm.

Heo hắt xã nghèo bởi hạn hán

Nhiều tháng qua, xã vùng sâu vùng xa Tam Quang cũng như nhiều xã khác của huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi hạn hán gây ra, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và kinh tế của người dân các địa phương trên địa bàn huyện.

Trước thực trạng đó huyện Tương Dương đã triển khai nhiều giải pháp thích ứng, trong đó nhiều xã đã biết áp dụng việc khai thác lợi thế diện tích tự nhiên và điều kiện kinh tế hộ để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với khí hậu khắc nghiệt của địa phương. 

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 2

Nhiều ha ruộng của bản Bãi Xa cũng được trồng lạc, ngô, đậu xanh thay thế.

Toàn xã Tam Quang có hơn 100 ha diện tích ruộng nước, hơn 4 nghìn con tổng đàn trâu, bò; trên 40 nghìn con gia cầm các loại. Tuy nhiên, thời gian qua, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, có chiều hướng khắc nghiệt đã làm cho nhiều bản làng xác xơ tiêu điều. 

Cũng vì thế mà hơn 65ha diện tích ruộng nước của xã bị khô hạn, nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu khác cháy nắng, hàng chục km kênh mương không có nước và nhiều vật nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 3

Nhiều sào ruộng lúa nước trước đây bị hạn hán nay được bà con đưa vào trồng đậu xanh tươi tốt.

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 4

Cùng với chuyển đổi trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày thay thế lúa ruộng vụ mùa, xã còn vận động người dân chăm sóc các loại giống cỏ voi để phục vụ nuôi nhốt gia súc.

Điều đó đã làm người dân hoang mang, chính quyền các cấp lo lắng. Đứng trước những thực trạng trên, xã đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát và có mời các ngành liên liên quan đến tư vấn, chọn hướng khắc phục. 

Theo đó xã Tam Quang mạnh dạn chuyển đổi thay thế toàn bộ diện tích bị khô hạn vào sản xuất ngô, sắn, lạc và rau đậu các loại. Vận động nhân dân chuyển hướng chăn nuôi tự nhiên sang chăn nuôi nhốt gia súc. 

Điểm sáng kinh tế dần phục hồi

Cũng như các hộ gia đình khác ở bản Bãi Xa của xã Tam Quang, huyện Tương Dương - gia đình anh Lô Văn Mày có hơn 5 sào ruộng nước sản xuất vụ mùa cũng khô cháy trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua. 

Ruộng cháy, mương khô, gia đình anh Mày thật sự hoang mang một mùa không hạt thóc trong thùng. Qua nhiều lần kiểm tra, đánh giá của các cấp các ngành địa phương, xã đã có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với điều kiện thời tiết hiện tại của xã nhà. 

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 5

Cán bộ chuyên môn của xã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hộ chuyển đổi con giống phù hợp với khí hậu, thời tiết địa phương...

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 6

Các hộ dân tự đầu tư máy móc và trang bị thêm một số hạ tầng chuồng trại đảm bảo sạch kiên cố... trong việc chăn nuôi gia súc.

Gia đình anh Mày và các hộ đã mạnh dạn đưa hết số diện tích ruộng bị khô cháy của gia đình vào sản xuất ngô và một số cây màu khác vào thay thế vụ mùa này. 

Anh Lô Văn Mày, bản Bãi Xa, xã Tam Quang, huyện Tương Dương nói: “Gia đình ta có 5 sào ruộng, năm nay do hạn hán kéo dài, không có nước tưới cho lúa ruộng nên mất hết thảy. Nghe cán bộ nên gia đình ta mạnh dạn chuyển sang trồng ngô cùng với mọi người. Hiện nay đã có mưa, ngô đã phát triển tốt, hi vọng sẽ vớt vát những thiệt hại do không trồng được lúa”.

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 7

Hơn 32ha đất bằng hiện có của bản Bãi Xa không phát huy hiệu quả nay đã được chuyển đổi sang làm mía, sắn cao sản, ngô... cho phát triển tốt.

Khác với các hộ ở bản Bãi Xa, một số hộ ở các bản khác lại mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi. Chọn nuôi những loại có thể thích ứng với khí hậu khắc nghiệt hơn. 

Như hộ anh Lương Văn Sa, ở bản Tam Bông, mạnh dạn đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi dế kết hợp chim cút. 

Theo anh Sa, trước đây toàn bộ diện tích chuồng trại này của gia đình được anh quy hoạch nuôi gà, vịt thương phẩm. Nhưng với khí hậu, thời tiết năm nay khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nên toàn bộ số gà giống gia đình mới nhập ở địa phương khác về, không kịp thích ứng đã bị bệnh, chết, làm thiệt hại cả về kinh và tinh thần của gia đình. 

“Trước đây gia đình tôi cũng nuôi gà vịt ở đây, nhưng năm nay do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt quá, không ổn định… Khi xã tuyên truyền về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với thời tiết, tôi đã quy hoạch lại hệ thống trại, để đưa vào thử nghiệm mô hình kép, nuôi dế kết hợp chim cút với nhau thì thấy hiệu quả kinh tế cao”, anh Sa chia sẻ.

Về nơi đồi núi, ruộng đồng khô cháy bản làng héo hon - 8

Mô hình nuôi dế thương phẩm của gia đình anh Lương Văn Sa, bản Tam Bông, xã Tam Quang cũng là một trong những mô hình kinh tế chuyển đổi để thích ứng với khí hậu địa phương.

Ông Quang Văn Mão - Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang, Tương Dương cho biết: “UBND xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp để khắc phục những khó khăn ở thời điểm này. Thứ nhất, là tập trung xây dựng các mô hình nuôi bò vỗ béo, các hộ nuôi chim cút, dế. Thứ hai, đối với diện tích chưa khép kín thì chúng tôi tăng cường chỉ đạo trồng ngô và các loại rau màu khác như mía, lạc, sắn… Hi vọng với việc làm đó sẽ cải thiện một phần lương thực cho bà con và giải quyết khó khăn cho thời gian tới”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và chỉ đạo sát sao, nên việc khắc phục để thích ứng với thời tiết khắc nghiệt đã được người dân đồng tình thực hiện tốt. 

Đến nay tổng diện tích ruộng nước và diện tích hoa màu khác của xã, đã được trồng thay thế và khắc phục là hơn 50ha. Trong đó có gần 6ha thanh long, 25ha diện tích trồng cây ăn quả khác được chú trọng khắc phục. Hình thức chăn nuôi các loài vật nuôi cũng được thay đổi và đa dạng vật nuôi khác hơn. 

Điều đặc biệt hơn, đó là ý thức của người dân được nâng cao trong việc chủ động thích ứng với thời tiết, nhất là trong sinh hoạt cũng như trong việc chăm sóc cây, con, cơ nghiệp của gia đình mình tại một địa bàn xã khó khăn như Tam Quang hiện nay.