1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tiến sĩ làm nhập liệu, thông dịch: Sao giữ được người tài?

Tốt nghiệp ngành thương mại quốc tế ở Mỹ, Trần Thanh Tùng về Sở Thương mại TPHCM với mức lương chỉ hơn 500.000 đồng/tháng. “Công việc của tôi là đánh máy, nhập liệu. Khi có đoàn khách nước ngoài đến thì được cơ quan cử làm thông dịch vì giỏi... ngoại ngữ”.

Mở đầu buổi gặp, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Những ý kiến của các cán bộ trẻ sẽ được thành phố (TP) quan tâm. Việc TP bỏ ra từ 40.000 - 50.000 USD/người để đưa các bạn đi học ở nước ngoài , khi trở về nước lại không sử dụng có hiệu quả thì thật lãng phí”.

 

Không chấp nhận kiểu “làm việc trung bình”

 

Lê Vân Phi, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ĐH City London (Anh) đang công tác tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, cho rằng những người hoàn thành chương trình học trở về mong muốn đem hết khả năng cống hiến cho xã hội. Do đó, TP cần tạo điều kiện để họ phát triển ngành nghề đã học.

 

Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực, trình độ của các cán bộ trẻ lại dựa vào cơ quan quản lý là chưa phù hợp. Trong khi làm việc ở các công ty tư nhân thì đa số đều quyết định công việc mình từ đầu đến cuối, từ đó năng lực của các bạn được đánh giá một cách cụ thể; còn làm việc ở các cơ quan Nhà nước rất khó thể hiện năng lực của mình vì “còn nhiều lực cản rất lớn”.

 

Theo Vân Phi, những người trẻ như các bạn được TP, người dân đóng góp tiền của để được đi học, tiếp thu kiến thức từ nước ngoài nhưng khi trở về nước lại chưa biết bước đường sắp tới như thế nào.

 

Thực tế, với hành trang kiến thức chuyên ngành mà các bạn được trang bị từ nước ngoài đủ khả năng để làm việc. Phi khẳng định không chấp nhận “làm việc với kết quả chỉ ở mức trung bình”. Do đó rất mong TP có định hướng cho công việc để được cống hiến.

 

Lương thấp và nỗi lo thành “tiến sĩ giả”

 

Lê Trọng Hiếu vừa về nước 3 ngày, chưa có việc làm, cũng thẳng thắn: “Nếu TP không quan tâm đầu tư thì liệu những người trẻ như chúng tôi có cơ hội phát triển hay không?”. Khi mới về nước, bạn có gặp những người đã về nước trước để hỏi mức lương thì không ai nói vì “tế nhị”. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, Hiếu khẳng định mức lương chưa phù hợp. Do đó, chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ cần công khai mức lương để những người trở về không bất ngờ và yên tâm.

 

Tiếp lời Hiếu, Trần Thanh Tùng, tốt nghiệp ngành thương mại quốc tế ĐH Hult International Busin (Mỹ) đang công tác tại Sở Thương mại, cho biết mức thu nhập hiện nay chỉ hơn 500.000 đồng/tháng...

 

Tùng kể: “Công việc của tôi là đánh máy, nhập liệu. Khi có đoàn khách nước ngoài đến thì được cơ quan cử làm thông dịch vì giỏi... ngoại ngữ. Công việc như vậy rất dễ làm mai một kiến thức đã học”. Bất cứ môi trường làm việc nào cũng cần có “người đỡ đầu” giúp đỡ thời gian đầu để tìm hiểu công việc nhưng hiện nay đa số phải “tự bơi” và không khéo sẽ trở thành “tiến sĩ giả” vì đã học mà không được hành.

 

Trao đổi khi kết thúc cuộc gặp, đa số các bạn nêu một thực tế là hiện nhiều công ty nước ngoài đang đánh tiếng mời về làm với mức lương khá cao. Nhưng vì không muốn phụ ơn mà TP và người dân đã đầu tư cho ăn học nên nhiều bạn đã từ chối.

 

Làm cách nào để giữ “hạt giống đỏ”?

 

Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết việc phân công các cán bộ trẻ chưa hợp lý dẫn đến các bạn chưa phát huy năng lực được ngay. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm chức vụ cũng chưa thống nhất, như có phải thi xét tuyển hay không? Ông Tỷ cho rằng khi đưa các cán bộ trẻ vào chương trình đào tạo đã xét tuyển rất kỹ, bỏ kinh phí đào tạo thì nên công nhận là công chức luôn.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với chính sách, mức thu nhập như hiện nay thì rất khó thu hút nhân tài làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Mục tiêu của việc đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ theo chương trình của Thành ủy TPHCM chính là làm thế nào để giữ họ làm việc lâu dài để không uổng phí. Ông Nhân khẳng định những bức xúc mà các cán bộ trẻ đưa ra là chính đáng. 

 

Sẽ được bố trí công việc hợp lý

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP sẽ luôn theo dõi và hỗ trợ để phát huy “hạt giống đỏ” và phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn giúp cho nó phát triển. Tuy nhiên, cuối cùng phải là sự nỗ lực phát huy của bản thân từng người.

 

Sắp tới, chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ sẽ có những giải pháp để việc sử dụng những “hạt giống đỏ” hiệu quả. TP sẽ có nhiều giải pháp trong bố trí công việc hợp lý, nâng mức thu nhập để các cán bộ trẻ yên tâm làm việc và cống hiến.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã giao cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị tuyển dụng cán bộ trẻ thuộc chương trình xem xét lại việc bố trí công việc và trả lương hợp lý. Đồng thời, với gần 20 cán bộ trẻ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị sẽ được TP gặp gỡ định kỳ nhằm tiếp nhận những ý kiến, khó khăn vướng mắc nhằm giải quyết kịp thời...

 

Theo Xuân Đặng
Người Lao Động