1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tiền lương ở Việt Nam: Còn khoảng cách xa với thế giới

(Dân trí) - Đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, trong vòng hai năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được mức tăng lương đáng kể, nhưng vẫn còn một khoảng cách xa với mặt bằng chung của thế giới.

Lương phụ thuộc vào năng suất lao động. Nhưng năng suất phụ thuộc nhiều vào công nghệ sản xuất.
Lương phụ thuộc vào năng suất lao động. Nhưng năng suất phụ thuộc nhiều vào công nghệ sản xuất.

Tổ chức ILO đánh giá khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng lương cao hơn hầu hết các khu vực khác trên toàn cầu. Việt Nam đã có mức tăng lương trung bình đạt 13,67% trong giai đoạn từ 2011 - 2013. Mức tăng này có một phần nguyên nhân do lương tối thiểu tăng đáng kể.

Tuy nhiên, tiền lương ở Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức thấp hơn nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển. Thậm chí còn thua kém cả nhiều quốc gia láng giềng.

Khảo sát mới đây của ILO cho thấy: Giữa các quốc gia Asean, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam (ở mức 3,8 triệu đồng, hay 181 USD ) chỉ cao hơn so với Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD).

Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (357 USD), chưa bằng một phần ba của Malaysia (609 USD) và chỉ bằng khoảng một phần hai mươi của Singapore (3,547 USD).

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam phát biểu: “Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia Asean phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động.”

Đưa ra lý giải về câu chuyện giá trị gia tăng, đại diện ILO tại Việt Nam cho cho biết: “Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích cải cách cơ cấu và cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực sẽ tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn - và chuyển dịch sang những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn.”

Mặc dù lao động làm công ăn lương hiện nay chỉ chiếm 34,8% trên tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên 50% của thế giới, nhưng tỷ lệ này được dự kiến sẽ gia tăng nhanh trong các thập kỷ tới.

“Thời gian tới, tiền lương tối thiểu và thương lượng tập thể sẽ là hai điều kiện tiên quyết để tối đa hóa lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu. Đồng thời, các yếu tố cũng đảm bảo những lợi ích này sẽ được chuyển thành mức tiền lương cao hơn cùng điều kiện làm việc tốt hơn” - ông Sziraczki cho biết.

Hoàng Mạnh

Những khoảng cách hữu hình

Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013 của ILO, ngành đạt mức lương cao nhất là “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu VNĐ.

Tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở gần 10% - khá thấp so với thế giới. Khoảng cách này lại rất lớn trong nhóm ngành lương thấp là “nông, lâm, thủy sản”. Trong ngành này, phụ nữ hưởng lương ít hơn nam giới 32% (khoảng cách lớn nhất).

Trong ngành công nghệp chế biến, chế tạo - ngành nghề đang phát triển ở Việt Nam và tuyển dụng số lượng lao động nữ vượt trội so với nam, nữ giới vẫn chỉ hưởng mức lương tháng trung bình thấp hơn nam giới 17%.

Ngược lại, trong hai ngành có mức lương cao nhất (ngành “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” và ngành “hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ”), lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút (tương ứng 3,4% và 1,4%).