Tiệm nail “điêu đứng” vì... ế khách

Thúy Hằng

(Dân trí) - Lác đác khách, thu nhập giảm 50 - 70%, tiền thuê mặt bằng cao... khiến chị Trần Hồng Nguyên (TPHCM) khổ sở để duy trì tiệm nail đã gây dựng nhiều năm qua.

Nhân viên đông hơn khách

Mở tiệm làm móng được gần 9 năm, chị Trần Thị Hồng Nguyên (chủ tiệm Nguyên nail, phường 3, quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết chưa bao giờ khó khăn như thời điểm hiện tại.

Sáng ngày 13/8, sau khi mở cửa tiệm xong, chị Nguyên đọc tin tức rồi thở dài: “Mong sao Việt Nam sớm vượt qua và công bố hết dịch Covid-19, tình hình này diễn ra lâu thì chắc cửa hàng không trụ được”.

Ngay từ đầu dịch, chị đã phải đóng của tiệm và cho nhân viên nghỉ việc hơn 3 tháng. Mỗi tháng chị đều phải trả tiền mặt bằng 15 triệu đồng/tháng và hỗ trợ nhân viên số tiền không nhỏ.

Sau khi dịch tạm lắng, chị Nguyên đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm. 

Tiệm nail “điêu đứng” vì... ế khách - 1

Tiệm nail quá vắng khách, Chị Nguyên đếm lại số tiền ít ỏi thu được trong vài ngày qua.

Đầu tháng 5, chị mở lại tiệm nail với hy vọng sẽ sớm có thu nhập để trang trải chi phí. Tiệm hoạt động ổn định được 2 tháng thì dịch quay trở lại. Từ cuối tháng 7 đến nay, tiệm chị lúc nào cũng "vắng như chùa bà Đanh". 

“Trước kia, mỗi ngày khách ra vào đều đều, có khi mình và ba nhân viên làm việc không kịp, khách đến có khi phải hẹn lịch hoặc ngồi chờ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng nhân viên khi nào cũng nhiều hơn khách hàng. Đầu tháng vừa rồi mới cho nghỉ tạm thời hai nhân viên nhưng nhiều khi nhân viên vẫn đông hơn khách”, chị Nguyên chia sẻ.

Các lọ sơn móng đủ các màu sắc, thương hiệu được chị Nguyên đặt kín các kệ và tủ đựng được thiết kế ngăn nắp. Số lượng các lọ nước sơn móng nhiều, dù được lau chùi hàng ngày nhưng ở cổ của mỗi lọ sơn đa số đều đã có vết sơn đóng lại khô cứng.

Theo chị Nguyên các lọ sơn có vết sơn khô cứng ở cổ lọ vì quá lâu không được sử dụng đến.

Tiệm nail “điêu đứng” vì... ế khách - 2

Cùng cảnh ngộ, chị Huỳnh Yến Ly chủ tiệm Lyly Nails (phường 3, quận 10, TPHCM) buồn bã chia sẻ: “Tiệm nail mở chưa tròn một năm, vốn chưa thu lại được bao nhiêu thì thời gian vừa rồi dịch Covid-19 đã phải đóng cửa hơn hai tháng".

Hoạt động nay chưa lâu thì lại có thông tin dịch Covid-19 bùng phát. Khách hàng tới đây cũng ít hơn rất nhiều. Có những ngày, mở cửa từ 9 giờ đến 19 giờ mà chẳng có khách nào

May mắn hơn chị Ly, chị Đào Lê Thảo Phương chủ tiệm nail  (phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Trước kia, khách hàng vào tiệm đông lắm, dịch bệnh Covid-19 khách hàng cũng ít hơn bình thường. Tiệm cũng có trang bị khẩu trang và nước rửa tay cho khách hàng. Vừa an toàn cho mình, cho nhân viên và cho khách hàng”.

Bán thêm hàng để mưu sinh

Sau khi cho 2 nhân viên nghỉ việc, gánh nặng về tiền lương đối với chị Nguyên cũng giảm đi một phần. Tuy vậy, khách vẫn thưa thớt nên chị đành cầu cứu chủ nhà cho thuê để hy vọng giảm bớt tiền thuê nhà.  

Thấy được sự "điêu đứng” của chị Nguyên, chủ nhà đã giảm tiền thuê cho chị từ 15 triêu đồng/tháng xuống còn 10 triệu đồng/tháng.

Tiệm nail “điêu đứng” vì... ế khách - 3

Chị Nguyên nhập thêm bơ về bán và trưng ở cái bày nhỏ trước cửa tiệm.

Hàng ngày chị Nguyên còn nhập thêm nhiều loại trái cây về bán, trong đó, chủ yếu là quả bơ. Chị bày các quả bơ trên cái bàn nhỏ ở một góc trước cửa tiệm và treo bảng giá 45.000 đồng/kg. 

Khi đang làm móng nhưng có khách mua hàng, chị lại lật đật chạy ra bán bơ rồi vào làm tiếp. Khách hàng thấy tiệm vắng khách nên cũng vui vẻ, tạo điều kiện để chị kiếm thêm. 

Số tiền lời từ bán bơ dù không nhiều nhưng cũng đủ để chị trang trải một phần phí sinh hoạt hàng ngày. Chị Nguyên cho biết, trong thời buổi hiện tại: “Đỡ được đồng nào hay đồng đó”.

Tiệm nail “điêu đứng” vì... ế khách - 4

Các mẫu sơn móng và các lọ nước sơn được bảo quản trong các kệ tránh ánh sáng trực tiếp để bảo quản được lâu hơn.

Với chị Ly, thay vì nhập mới và trưng bày các lọ nước sơn móng và các thiết bị làm nail mỗi tuần một lần, thì nay hai tuần một lần. 

Các lọ nước sơn thay vì trưng bày dưới ánh sáng chị cũng đem bảo quản ở trong các hộp kín để duy trì thời gian sử dụng được lâu hơn. Các kiềm bấm móng và các vật dụng khác cũng được chị Ly cùng nhân viên của mình bảo quản cẩn thận.

Đây là những biện pháp chị sử dụng tạm thời trong thời điểm dịch Covid-19 để duy trì được tiệm nail.

“Điều quan trọng nhất chị vẫn mong muốn dịch Covid-19 sớm được khắc phục để chị và những người làm nghề nails giống chị được hoạt động nghề như trước khi có dịch”, chị Ly chia sẻ.

Tiệm nail “điêu đứng” vì... ế khách - 5
Chị Phương nhập thêm bưởi da xanh về bán để tăng thu nhập.

Còn đối với chị Phương, chị nhập thêm ít bưởi da xanh của người họ hàng về bán. Chị mong muốn có thể trang trải được phần nào đó cho chi phí tiền thuê mặt bằng mỗi tháng.

Ngoài ra, chị Phương cũng cắt giảm chi tiêu cá nhân của mình và gia đình để duy trì tiệm nail trong mùa dịch Covid-19.

Đề xuất đưa nhóm lao động làm đẹp thuộc vào nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam - cho biết, thời gian qua hàng ngàn các cơ sở làm đẹp bị giảm thu nhập, đóng cửa vì Covid-19.

"Vừa qua, Hiệp hội cũng đã có đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ đưa nhóm lao động quy mô nhỏ như các tiệm nail vào nhóm hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng. Nhiều nhân viên các cơ sở làm đẹp đã được hỗ trợ. Chủ các cơ sở làm đẹp cũng được hỗ trợ vay tiền, được miễn thuế nếu có khó khăn", ông Hữu chia sẻ.

Theo ông Hữu, không chỉ dừng lại ở đó, Hiệp hội cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho các cơ sở làm đẹp. Các cơ sở làm đẹp cũng nhân cơ hội này để đào tạo kỹ năng cho nhân viên.

"Bây giờ mình đang có thời gian thì nên đào tạo cho nhân viên, trực tiếp hoặc online để nâng cao tay nghề. Các cơ sở có thể liên kết với nhau để học hỏi thêm kinh nghiệm để khi hết dịch tay nghề sẽ cao hơn, phục vụ khách tốt hơn để có thu nhập cao hơn", ông Hữu chia sẻ thêm.