“Thưởng Tết bằng nhiều cách không có nghĩa là trả bằng …gạch hay đồ hết hạn”
(Dân trí) - “Việc đa dạng hình thức thưởng, gồm cả thưởng Tết, bằng tiền, hiện vật và dịch vụ phải có sự đồng thuận của 2 bên. Bởi vậy không thể có chuyện cuối năm, doanh nghiệp tự chi thưởng Tết cho người lao động bằng gạch hay đồ sắp hết hạn như dư luận vài năm trước từng nêu…”.
Ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Lao động 2012 sửa đổi (nay là Luật Lao động 2019) trao đổi với PV Dân trí liên quan tới quy định mới về chi thưởng được áp dụng từ năm 2021.
Xu thế chung của thế giới
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, Luật Lao động năm 2019 quy định hình thức thưởng trong năm (bao gồm thưởng Tết) sẽ đa dạng hơn so với quy định của Luật Lao động năm 2012 đang được áp dụng.
Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, bản chất của quy định mới nhằm đáp ứng xu thế thực tế trong nước và thế giới.
Cũng theo dẫn chứng của nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, các tập đoàn lớn trên thế giới như Amazone hay Nike từng có kế hoạch thưởng cổ phiếu cho nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều tập đoàn của Trung Quốc còn thưởng ô tô cho người lao động.
“Ngoài tiền mặt, doanh nghiệp trong nước đã và đang có nhiều hình thức khuyến khích người lao động, gồm: Thưởng cổ phiếu, các chuyến tham quan du lịch, các dịch vụ khác. Thậm chí hình thức thưởng còn là các hiện vật có giá trị như tủ lạnh, tivi, ô tô hay xe máy…” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Tuy nhiên, ông Doãn Mậu Diệp cũng cho biết việc quyết định hình thức thưởng ra sao còn phải được sự đồng thuận của đại diện người lao động tại cơ sở.
Trên cơ sở đó, việc thưởng bằng tiền mặt, hiện vật hay dịch vụ; mức thưởng và thời điểm nào sẽ cần được bàn thảo, công khai từ trước khi áp dụng. Đơn cử thưởng dịp Tết Nguyên đán bằng hình thức gì và thời điểm nào? Thưởng Tết dương dịch, dịp Quốc khánh hoặc Quốc tế lao động ra sao?.v.v…
“Do vậy không thể có chuyện cuối năm doanh nghiệp tự áp dụng thưởng cho người lao động bằng gạch hay sản phẩm gần hết hạn sử dụng, như dư luận vài năm trước từng nêu ở đâu đó…” - ông Doãn Mậu Diệp giải thích.
Nâng cao vai trò công đoàn cơ sở
Thực tế trên khiến nhiều bạn đọc thắc mắc về trường hợp khả năng đàm phán của tổ chức công đoàn cơ sở chưa tốt hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, liệu việc thưởng có thể bị ảnh hưởng theo hướng không có lợi cho người lao động?
“Hình thức thưởng thể hiện sự đồng thuận của 2 bên trong thương lượng. Điều này đòi hỏi khả năng đàm phán và xây dựng quan hệ lao động hài hoà của công đoàn cơ sở: Vừa đáp ứng được quyền lợi số đông người lao động và đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Trả lời điều này, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Có lẽ đây là sự lo lắng thái quá. Việc xây dựng quy chế thưởng được xây dựng từ đầu năm hoặc trước khi diễn ra việc thưởng. Do đó, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cơ sở có thời gian để thương lượng tìm ra phương án hài hoà nhất”.
Thậm chí trong trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Khi chủ sử dụng lao động xây dựng và ban hành quy chế thưởng của người sử dụng lao động, tập thể người lao động có thể kiến nghị khi cho rằng không hợp lý. Vì đây là tranh chấp liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”.
Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận xét, với xu thế hiện nay, doanh nghiệp muốn phát triển sẽ luôn cần chú trọng đầu tư yếu tố con người.
Trong thị trường lao động đầy sôi động, người lao động cũng có thể rời bỏ doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội mới nếu chính sách đãi ngộ không đáp ứng yêu cầu. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Chính sách nhân sự luôn có tính đa chiều. Không một doanh nghiệp thông thái nào lại lựa chọn chính sách đãi ngộ không tốt với nhân sự làm việc có hiệu quả…” - nguyên thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.
Thưởng bằng tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác
Theo Điều 104 của Luật Lao động năm 2019, từ ngày 1/1/2021, hình thức thưởng sẽ gồm số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy định trên khác biệt so với Điều 103 của Luật Lao động 2012 đang được áp dụng. Theo đó, việc quy định thưởng chỉ gói gọn là tiền thưởng, tức là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động…
Hoàng Mạnh