Thưởng Tết: Bài toán hóc búa!
Thưởng Tết phụ thuộc doanh nghiệp nên dễ phát sinh tranh chấp lao động do không thỏa mãn mong muốn của người lao động
Bất bình về chính sách thưởng Tết, mới đây, tập thể công nhân (CN) Công ty TNHH D.S (tỉnh Long An) đã ngừng việc 4 ngày. Sau khi công ty đồng ý chi thưởng thêm 500.000 đồng/người, họ mới chịu trở lại làm việc. Dù vậy, một số CN cho biết vẫn chưa thỏa mãn với cách giải quyết của doanh nghiệp (DN).
Không thuyết phục
Theo phản ánh của CN, tháng 8-2020, khi di dời xưởng sản xuất từ TP HCM về tỉnh Long An, Ban Giám đốc Công ty TNHH D.S hứa sẽ bảo đảm chế độ lương, thưởng cho những lao động đồng ý làm việc tại địa điểm mới.
Cam kết là vậy song trong thông báo thưởng Tết công bố ngày 8-1, tiền thưởng bị giảm gần 40% so với năm 2020 (bình quân giảm từ 3-10 triệu đồng/người) và điều này khiến người lao động (NLĐ) bức xúc.
Anh N.K, làm việc tại khâu ép chữ, cho hay cách tính thưởng của công ty là lấy tổng thu nhập (lương cơ bản, phụ cấp) cộng thưởng A, B, C và nhân với hệ số. Nếu như năm 2020, hệ số là 1.0 thì năm nay chỉ còn 0.62. Với cách tính này, anh K. chỉ được thưởng 12 triệu đồng, trong khi năm 2020 được nhận 18 triệu đồng.
"Năm qua, công ty không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và CN phải tăng ca thường xuyên. Thế nhưng, việc công ty viện lý do gặp khó khăn do dịch để giảm mức thưởng của CN là không thỏa đáng" - anh K. bất bình.
Sau khi thông báo kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ, tình hình quan hệ lao động tại một DN ở quận Bình Tân, TP HCM cũng xuất hiện dấu hiệu bất ổn.
Theo thông báo, CN làm chưa đủ 1 năm sẽ được tính theo số tháng làm việc thực tế; CN vào xưởng từ đủ 1 năm trở lên, tùy vào thâm niên sẽ được thưởng từ 1 - 1,87 tháng lương (gồm lương cơ bản và các loại phụ cấp môi trường, phụ cấp công việc, phụ cấp chuyên môn và phụ cấp đặc biệt nếu có). So với năm ngoái, mức thưởng năm nay thấp hơn 15%.
Theo giải thích của đại diện công ty, thưởng Tết giảm là do tình hình kinh doanh không thuận lợi. Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, do đơn hàng giảm mạnh nên nhiều CN phải nghỉ chờ việc hoặc làm việc luân phiên. Tuy nhiên, một bộ phận CN cho rằng lý do DN đưa ra thiếu thuyết phục, bởi tại các DN khác trong tập đoàn, tiền thưởng Tết chỉ bị giảm 10%.
Ngoài ra, theo một số CN, trong thời gian dịch bệnh, ngoài một số xưởng CN phải nghỉ chờ việc thì vẫn có một số nơi CN phải tăng ca. Do vậy, việc áp dụng chung mức thưởng Tết cho người làm nhiều cũng như người làm ít là chưa thỏa đáng.
Khó thỏa mãn
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, so với Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2012, BLLĐ năm 2019 dù bổ sung hình thức thưởng (bằng tài sản hoặc hình thức khác) nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên những quy định về tiền thưởng như trước đây.
Theo đó, tiền thưởng phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ; quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
"Với quy định này, tiền thưởng là khoản không bắt buộc, do vậy DN được toàn quyền quyết định thưởng hay không và mức thưởng như thế nào. Một khi quy chế thưởng do DN quyết định thì sẽ khó thỏa mãn sự kỳ vọng của NLĐ, do vậy việc xảy ra tranh chấp lao động là điều khó tránh khỏi" - ông Phúc nhìn nhận.
Vụ tranh chấp giữa bà Nguyễn Minh Ngọc với Công ty TNHH A.B (quận Phú Nhuận, TP HCM) mới đây là ví dụ. Bà Ngọc làm việc tại công ty từ năm 2018. Đến ngày 6-1-2021, công ty lấy lý do gặp khó khăn do dịch Covid-19, buộc phải tái cơ cấu lại tổ chức nên ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với bà sau 45 ngày. Theo quy chế trả thưởng của công ty, nếu NLĐ làm đủ 12 tháng trong năm thì sẽ được thưởng lương tháng 13.
Tuy nhiên, trong thông báo nghỉ việc, công ty không hề đả động đến việc chi trả khoản thưởng này cho bà. Khi bà thắc mắc thì được trả lời quy chế thưởng năm 2021 có sự điều chỉnh và bà không thuộc đối tượng được trả lương tháng 13. Ấm ức, bà Ngọc khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, Công ty TNHH A.B giải thích theo quy chế khen thưởng của DN, "tiền thưởng" bao gồm thưởng lương tháng 13 và thưởng năm theo thành tích. Căn cứ xét thưởng phụ thuộc vào chính sách của công ty từng thời điểm. Cách tính lương tháng 13 sẽ dựa theo tỉ lệ ngày làm việc thực tế trong năm, còn thưởng năm theo thành tích dựa vào kết quả kinh doanh của công ty và thành tích NLĐ đạt được.
Nếu như những năm trước, chỉ cần NLĐ làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch sẽ được hưởng tiền thưởng thì năm nay, do gặp khó khăn vì dịch nên công ty đã thay đổi một số nội dung trong quy chế trả thưởng. Trong đó, bao gồm nội dung nếu NLĐ nghỉ việc trước ngày trả thưởng hay thông báo đi làm 1 tháng trước ngày trả thưởng thì sẽ không nhận được khoản tiền thưởng này.
"Quy chế được thông qua và ban hành công khai vào ngày 2-1-2021, trước thời điểm chị Ngọc nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. Chiếu theo quy chế này thì chị Ngọc không được trả tiền thưởng" - đại diện công ty lý giải.
"Chi trả lương, thưởng Tết cuối năm luôn là bài toán hóc búa của người sử dụng lao động. DN có cơ chế lương thưởng hợp lý thì sẽ động viên tinh thần NLĐ, từ đó thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và chất lượng làm việc. Ngược lại, chính sách lương thưởng không thỏa đáng sẽ là tác nhân gây bất ổn quan hệ lao động. Do đó, trước khi ban hành quy chế thưởng, DN cần thông tin cho NLĐ biết về tình hình hoạt động sản xuất của đơn vị; tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng quy chế thưởng từ Công đoàn cơ sở và NLĐ. DN cũng cần hoàn thiện sớm quy chế thưởng và công khai rõ ràng để NLĐ biết" - luật sư Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận.