Thừa Thiên-Huế cảnh báo lao động ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có hơn 150 người ở lại trái phép.
Bà Lê Kim Liên, ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 người con đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Bà Liên cho biết: 2 người con của bà đã giúp gia đình xây dựng nhà cửa khang trang. Khi hết hạn hợp đồng, nhiều người rủ rê con bà trốn ra ngoài tìm việc làm nhưng bà Liên khuyên con nên trở về nước đúng thời hạn hợp đồng.
Theo bà Liên: “Ra làm ngoài lương đương nhiên thì cao hơn nên họ nhảy ra, nhưng không có ai bảo vệ cho mình hết. Với vợ chồng tôi ở lại là không đồng ý. Bởi vì vừa mang tiếng cho đất nước mình, lại không an toàn nữa nên tôi khuyên con về”.
Xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy có nhiều lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở nước ngoài khá cao. Nguyên nhân phần lớn lao động cho rằng, khi trở về làm thủ tục đi lại khá rườm rà, không dễ vượt qua vòng thi tuyển... Vì thế, tình trạng lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng.
Ông Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết: “Do ra ngoài làm ăn tiền nhiều hơn nên một số người chưa hết hợp đồng đã bỏ ra ngoài. Một số bỏ ra ngoài làm ăn lâu dài luôn, có những người 10 năm chưa về lại địa phương. Gia đình vẫn biết liên lạc, chờ gửi tiền về. Địa phương cũng có thông báo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để đến gia đình vận động thì trong nhà đồng tình, nhưng số lao động đó vẫn không về”.
Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có hơn 150 người ở lại trái phép. Tình trạng lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp làm cho hàng trăm lao động ở Thừa Thiên - Huế đang làm thủ tục đi làm việc ở Hàn Quốc phải tiếp tục chờ đợi.
Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Do lao động ở ngoài có thu nhập cao nên nhiều người bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm; việc ngăn chặn tình trạng lao động chui ở nước ngoài vẫn là bài toán khó.
Ông Nguyễn Thanh Kiếm nói: “Tỷ lệ lao động của Thừa Thiên - Huế ở lại nước ngoài quá thời hạn chiếm trên 55%. Chúng tôi đã làm việc, liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước lấy danh sách ở các huyện, vận động các gia đình để đưa con cái về đảm bảo đúng thời gian để tránh rủi ro khi lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc và nước ngoài. Nếu có những rủi ro đáng tiếc thì thiệt hại cho gia đình và bản thân”.
Theo VOV.VN